THẮC MẮC

Triệu chứng và biến chứng do sán dây bò

Chào Bác sĩ! Em là nữ em muốn hỏi Bác sĩ về triệu chứng và biến chứng do sán dây bò gây ra. Em xin cảm ơn.

Tư vấn

Chào em,
Triệu chứng và biến chứng do sán dây bò gây ra: gồm 2 loại, bệnh sán dây trưởng thành (hay gặp), bệnh ấu trùng sán dây bò (hiếm gặp).
- Bệnh sán dây trưởng thành: sán dây ở trong cơ thể người chiếm thức ăn, làm cơ thể kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa (đau tức vùng thượng vị, đau bụng khi đói, sút cân, đôi khi buồn nôn). Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt do đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào.
- Bệnh ấu trùng: tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau: có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.
- Tỷ lệ tử vong của bệnh cao hay thấp tùy thuộc diễn biến bệnh đơn giản hay phức tạp, nhất là những ca ấu trùng sán tại thần kinh trung ương.
- Đối với những trẻ em mắc bệnh thường do phơi nhiễm với nang sán và ít có biến chứng, tiên lượng bệnh tốt hơn. Các trường hợp bệnh nặng ở trẻ em là do bị nhiễm tái đi tái lại với trứng sán, gây gia tăng áp lực nội sọ, khó kiểm soát cơn co giật, động kinh, nên các trẻ này có tiên lượng kém hơn. Một số biến chứng có thể tăng lên do không khống chế được cơn co giật, động kinh, não úng thủy, phù gai thị, nhức đầu, nôn mửa.
Em có thể tham khảo bệnh sán dây bò dưới đây:
* Đặc điểm của bệnh sán dây bò: ở Việt Nam bệnh này gặp nhiều hơn bệnh sán dây lợn. Sán trưởng thành dài từ 4-12 m hoặc có thể dài hơn, thân có khoảng 1.200-2.000 đốt; đầu sán hơi dẹt, cổ dài và hẹp, các đốt sán gần đầu có chiều ngang lớn hơn chiều dọc, càng xa đầu thì chiều dài càng lớn hơn chiều ngang. Các đốt sán gần cổ chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục. Các đốt càng xa cổ càng già với bộ phận sinh dục cái xuất hiện, toàn bộ đốt sán là tử cung phân nhánh chứa đầy trứng, số lượng trứng có thể đến 100.000 trứng. Sán dây bò có nang ấu trùng- là một bọc chứa đầy chất lỏng trong có đầu ấu trùng, ấu trùng không có móc, có bốn giác gọi là “gạo bò” nằm ký sinh ở thịt bò.
Sán dây bò thường ký sinh ở ruột non của người. Những đốt sán già tự động đứt ra khỏi thân sán, tự bò ra ngoài hậu môn, rồi bò ra quần áo, giường chiếu. Bệnh nhân dễ biết mình bị mắc bệnh vì nhìn thấy và phát hiện các đốt sán ở quần áo, giường chiếu. Các đốt sán rụng ra thành những đốt riêng biệt, chuyển động nhờ những cơ rất khỏe nên nó có thể bò lên bụng, lên nách bệnh nhân hoặc bò ra khắp giường chiếu. Mỗi ngày thân sán có thể mọc dài ra từ 3-28 đốt. Các đốt sán già rơi ra ngoại cảnh, vỡ ra, giải phóng ra hàng trăm ngàn trứng. Nếu trâu, bò ăn phải đốt sán vào ruột thì trứng sán nở ra ấu trùng và xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim, sau đó theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “gạo bò”. Nang ấu trùng sán bò thấy nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông ... của trâu, bò. Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn ở trong trạng thái tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài bám vào thành ruột và phát triển thành sán trưởng thành trong khoảng từ 8-10 tuần. Người là vật chủ chính và trâu, bò là vật chủ phụ. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20-30 năm. Con người thường bị mắc bệnh sán dây bò trưởng thành, còn bệnh ấu trùng sán bò hiếm gặp.
* Điều trị:
- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
- Chống chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, những người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần..., cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.
- Thuốc điều trị:
+ Điều trị sán dây trưởng thành: có thể dùng một trong hai loại thuốc sau:
Praziquantel viên nén 600 mg liều 15-20 mg/kg, liều duy nhất uống sau khi ăn 1 giờ.
Niclosamide viên nén 500 mg liều 5-6 mg/kg, liều duy nhất uống lúc đói, sau 2 giờ tẩy magie sulphat 30 mg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).
+ Điều trị nang sán: áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên:
Praziquantel viên nén 600 mg liều 15 mg/kg/lần 2 lần/ngày 10 ngày 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày hoặc
Albendazole 7,5 mg/kg/lần 2 lần/ngày 30 ngày 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Trước khi dùng phác đồ này, cần tẩy sán trưởng thành bằng praziquantel liều duy nhất từ 15-20 mg/kg.
* Phòng bệnh: đối với bệnh do sán dây trưởng thành: không ăn thịt trâu, bò chưa nấu chín như thịt trâu, bò tái; kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ trâu bò và loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh.
Chào thân ái!