THẮC MẮC

Tư vấn dùng thuốc cho trẻ sơ sinh

"Xin chào Bác sĩ của songkhoe.vn! Em năm nay 23 tuổi, mới sinh một cháu trai được 24 ngày. Hôm cháu được 30 ngày, em có đưa cháu đi khám tại bệnh viện nhi Trung ương, cháu được chuẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, vàng da, viêm kết mạc, không loại trừ tắc lệ đạo. Sau đó 2 Bác sĩ khoa mắt và khoa tiêu hóa có kê các loại thuốc như sau: - Khoa tiêu hóa: 1. zentozis 20 gói : uống 2 gói, ngày chia 2; 2. zinc kid 15 gói: uống 1 goi, ngày chia 2; 3. viosterol 1 lọ: uống 2 giọt/lần/ngày (sáng - sau bú); 4. euroboncal 30 viên: uống 1 viên/lần/ngày. - Khoa mắt: 1. tobrin 0,3%/5ml 1 chai; 2. apeton 30ml: ngày 1ml/ sáng sau ăn. Em có thắc mắc muốn hỏi như sau ạ: Đến nay cháu nhà em đã dùng thuốc được 3 ngày. Do có nhiều thuốc nên em chưa dùng Apeton 30ml. Các loại thuốc số 1,2,3 đều dùng theo đúng chỉ định. Ngoại trừ euroboncal là dạng viên mềm khi khám Bác sĩ không hướng dẫn cách sử dụng cho trẻ sơ sinh. Em có hỏi tại hiệu thuốc khi mua thuốc thì các dược sĩ nói về nhà cắt đầu thuốc, bóp ra cho con uống. Em có làm như vậy nhưng chỉ cho con uống nửa viên. Sau khi uống được 2 liều nửa viên, em thấy con có quấy khóc nhiều hơn, đêm thức (từ khi sinh chưa bao giờ bé như vậy), khó ngủ, kèm nôn chớ nhiều (bé vẫn hay chớ nhưng ít hơn. Em có tìm hiểu trên mạng về loại canxi này thì đa số được sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong đơn kê của Bác sĩ không ghi là thuố ccho mẹ uống hay cho con uống. Vậy Bác sĩ của songkhoe.vn cho em hỏi thuốc này có dùng được cho trẻ sơ sinh không? Và nếu dùng thì liều dùng như thế nào? Hiện tượng ngộ độc canxi có biểu hiện ra sao? Cháu nhà em như vậy là có ngộ độc không? Em nên dừng thuốc này cho cháu hay tiếp tục uống? Em nghi vấn Bác sĩ kê cho mẹ nhưng không ghi rõ. Hiện giờ em rất lo lắng. Mong Bác sĩ hồi âm sớm. Bé nhà em còn nổi kê nhiều sau khi uống. Em chân thành cảm ơn Bác sĩ!"

Tư vấn

Chào bạn,
Trường hợp như bạn mô tả thì cháu bị rối loạn tiêu hóa và viêm kết mạc hoặc tắc lệ đạo. Đây là những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nên bạn không nên quá lo lắng. Vì cháu còn quá nhỏ, theo chúng tôi không nên dùng quá nhiều loại thuốc một lúc vì có thể gây gánh nặng cho trẻ và khó theo dõi tác dụng của thuốc.Chúng tôi không nghĩ là cháu đã bị ngộ độc thuốc.
Nếu cháu bị rối loạn tiêu hóa bạn cần điều chỉnh chế độ ăn. Nếu trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn cần cho trẻ uống oresol để chống mất nước và điện giải.
Chúng tôi muốn nói nhiều hơn về bệnh viêm kết mạc là bệnh thường xảy ra khi trẻ mới sinh được vài ngày, tỷ lệ mắc khá cao. Đây là một bệnh nặng có khả năng gây mù lòa, cần phát hiện sớm để điều trị tích cực bằng kháng sinh. Nguyên nhân gây bệnh thường là trẻ bị nhiễm khuẩn từ đường sinh dục của mẹ khi lọt lòng (hay gặp nhất là do vi khuẩn lậu, chlamydia); hoặc nhiễm khuẩn từ trong bụng mẹ (thường gặp trong những trường hợp vỡ ối sớm). Bệnh cũng có thể do bố mẹ, người chăm nuôi trẻ không được sạch sẽ trong quá trình chăm sóc vệ sinh cho trẻ.
Triệu chứng viêm kết mạc sơ sinh là hai mi sưng nề, đỏ, có những trường hợp mi sưng nhiều làm trẻ khó mở mắt, thậm chí không mở được mắt. Mắt đỏ rực, chảy nhiều nước mắt, một số trường hợp nặng có mủ nhiều. Bệnh thường bị ở cả hai bên, ít khi bị một mắt trước sau đó lan sang mắt kia. Do bệnh xảy ra trong 2-3 ngày đầu sau sinh, có tính chất cấp tính nên ít ảnh hưởng đến thị lực (độ nhìn) của trẻ; nhưng nếu không được điều trị tích cực, kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Viêm kết mạc sơ sinh cần được điều trị bằng các dung dịch, mỡ kháng sinh như tobrex, loxone, tetracyclin, gentamycine..., tra 4-6 lần một ngày. Trường hợp viêm kết mạc do lậu dùng dung dịch penicillin 2 lần một ngày. Những trường hợp nặng, số lần tra thuốc nhiều có thể 10 lần một ngày, phải lau rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0,9%, ngày 4-6 lần. Nếu không đỡ, phải chuyển lên tuyến chuyên khoa cao hơn để tìm nguyên nhân điều trị dứt điểm (tốt nhất là dùng thuốc theo chỉ dẫn của thày thuốc chuyên khoa mắt).Do da và kết mạc trẻ sơ sinh mỏng, khi lau rửa vệ sinh mắt cho trẻ phải hết sức nhẹ nhàng, tránh gây sang chấn.
Xin nói thêm về bệnh tắc lệ đạo: Bình thường, nước mắt được tiết ra từ các tuyến lệ, sau khi đã làm ướt bề mặt nhãn cầu, phần còn lại sẽ điểm lệ vào lệ quản, túi lệ, qua ống lệ mũi và đổ ra ngách mũi phía dưới. Khi có bệnh lý ở đường lệ, nước mắt sẽ bị ứ đọng và gây chảy nước mắt, đôi khi kèm theo mủ và nhầy.
Bệnh tắc lệ đạo bẩm sinh thường do không có điểm lệ, rò túi lệ bẩm sinh, tắc ống lệ mũi bẩm sinh. Trong đó tắc ống lệ mũi bẩm sinh là bệnh lý thường gặp nhất. Trẻ thường chảy nước mắt. Mức độ chảy nước mắt có thể thay đổi, có thể kèm theo viêm kết mạc. Khi ấn vùng túi lệ thấy nước trào ra, có thể kèm mủ và nhầy. Ống lệ mũi tắc do còn màng ngăn trong thời kỳ bào thai. Trong một số trường hợp, tắc ống lệ mũi là do biến dạng của ống xương của ống lệ mũi. Tỷ lệ tắc ống lệ mũi từ 2% - 4% ở trẻ sinh đủ tháng từ 2 – 4 tuần tuổi. Trong số đó có khoảng 1/3 số trẻ bị tắc ống lệ mũi ở cả hai mắt. Hầu hết, tắc ống lệ mũi bẩm sinh sẽ tự thông khi trẻ được 4-6 tháng tuổi. Tuỳ theo tuổi của trẻ khi đến khám mà các Bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Đối với trẻ 2- 3 tháng tuổi, trước tiên nên điều trị bằng day, xoa nắn vùng túi lệ kết hợp tra tại mắt dung dịch kháng sinh. Không nên bơm thông lệ đạo ngay từ lần khám đầu tiên vì dễ gây tổn thương. Hơn nữa trong thời kỳ này lệ đạo có thể tự thông. Chú ý khi trẻ bơm thông lệ đạo không nên thông quá 3 lần. Nếu sau 3 lần thông mà không được thì nên dừng lại, đợi chỉ định phẫu thuật.,
Bạn có thể áp dụng kỹ thuật day, xoa nắn theo các bước sau:
- Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ. Dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một góc khoảng 10 -15 độ. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ và day ngược lên phía trên và về phía mắt để đẩy mủ ở trong túi lệ (nếu có) qua lệ quản ra ngoài.
- Dùng bông lau sạch mủ nhầy. Nhỏ 1-2 giọt kháng sinh (……) vào túi kết mạc. Chờ 1 - 2 phút, sau đó đặt lại đầu ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn một áp ực vừa phải và miết dọc xuống dưới về phía cạnh mũi, lặp lại thao tác này 10 – 15 lần.
- Mỗi ngày thực hiện day, xoa nắn 3 đợt. Sau một tháng không khỏi nên đưa trẻ đi khám để Bác sĩ thông lệ đạo.
Chúc bạn và cháu luôn khỏe.