THẮC MẮC

Tư vấn về bệnh chứng ngừng thở khi ngủ

Chào bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi: Hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì và Cách hạn chế bị ngưng thở khi ngủ để tránh tử vong? Xin cám ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý thường gặp hiện nay, có khả năng gây nguy hiểm và cả những biến chứng tử vong. Hầu hết bệnh nhân của hội chứng ngưng thở khi ngủ, đi khám bệnh vì các triệu chứng thông thường như nhức đầu, mệt mỏi…
Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm. Hội chứng này có 3 dạng: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương và ngưng thở hỗn hợp.
Trong ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm). Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não. Với ngưng thở khi ngủ hỗn hợp sẽ gồm cả hai dạng trên. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, là dạng thường gặp nhất. Các biểu hiện của ngưng thở khi ngủ như: Một trong những dấu hiệu phổ biến của hội chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy to khi ngủ. Có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngưng thở. Thức giấc ban đêm vì cảm giác ngộp thở. Tiếng ngáy thường to nhất khi nằm ngửa, giảm đi khi nằm nghiêng.
Theo thời gian, ngáy xảy ra thường xuyên hơn và to hơn. Người bệnh thường không biết đang mình gặp vấn đề về giấc ngủ, cũng như mức độ nặng của nó. Tuy nhiên, không phải mọi người bị ngáy đều bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Một triệu chứng khác cũng thường gặp của hội chứng ngưng thở khi ngủ là buồn ngủ ban ngày quá mức, bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe. Các biểu hiện khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể là nhức đầu vào buổi sáng, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, dễ cáu gắt, trầm cảm, thay đổi tính tình, tiểu ban đêm nhiều lần, khô cổ khi thức giấc… Ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm…
Những người có nguy cơ cao: Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên, tăng dần theo tuổi, nam nhiều hơn nữ. Những người có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ nếu có: béo phì (nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường); bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên (phì đại amiđan, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi…); nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện; trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ; đang mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não…
Người bị ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng bị mắc các bệnh lý như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim; mắc bệnh lý mạch máu não, tăng hồng cầu trong máu…; thậm chí tử vong. Ngoài ra việc ngủ ngày quá mức cũng có thể dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống…
Cách điều trị tùy thuộc mức độ bệnh: Hỏi kỹ bệnh sử và thăm khám lâm sàng cẩn thận, bác sĩ có thể nghi ngờ một người có hay không hội chứng ngưng thở khi ngủ. Người này sẽ được cho trả lời bảng câu hỏi tầm soát. Nếu nghi ngờ hay có triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ thì người bệnh sẽ được đo đa ký giấc để xác định chẩn đoán.
Có nhiều phương pháp điều trị: Chọn lựa phương pháp nào cho phù hợp với người bệnh sẽ tùy thuộc mức độ nặng của bệnh, các bất thường về đường hô hấp trên, các bệnh lý đi kèm… Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh và cho biết phương pháp nào là tốt nhất: dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP); dùng dụng cụ gắn vào trong miệng trong khi ngủ; phẫu thuật… Trong đó, điều trị được chọn lựa hiện nay là dùng máy CPAP.
Thay đổi lối sống có thể làm nhẹ bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ: giảm cân nặng (giảm cân rất quan trọng vì có thể giảm độ nặng hoặc có thể chữa được ngưng thở khi ngủ); tránh uống rượu; ngưng các thuốc an thần và chất gây nghiện; ngưng thuốc lá; thay đổi tư thế ngủ (quay đầu giường lên cao 10 cm, tránh nằm gối cao; một số bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ nhẹ hay ngáy to có thể ít bị vấn đề về hô hấp khi nằm nghiêng).
Thông thường người bệnh sẽ không biết mình đang bị hội chứng bị ngưng thở khi ngủ. Người thân hay người ngủ chung giường thường sẽ là người đầu tiên phát hiện ra triệu chứng ngưng thở của bệnh nhân. Người thân của bệnh nhân có thể giúp đỡ bệnh nhân bằng nhiều cách: cho người bệnh biết nếu người này ngáy to và bị ngừng thở. Khuyến khích bệnh nhân đi khám bác sĩ. Giúp bệnh nhân theo đuổi kế hoạch điều trị, bao gồm cả thở máy CPAP. Động viên tinh thần người bệnh.