Tiêu hóa
Chào bạn!
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virut viêm gan B (HBV) gây nên.
HBV được tìm thấy trong máu, nước bọt, nước mắt cũng như nước tiểu và tinh dịch của bệnh nhân. Một số đường lây nhiễm quan trọng là:
- Mẹ truyền sang con: Ðây là đường lây quan trọng nhất.
- Ðường tình dục: Bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới.
- Truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm HBV, tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B.
- Dùng chung bơm kim tiêm có nhiễm HBV.
- Các nguyên nhân khác: Xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai... với những vật dụng không được tẩy trùng tốt có thể bị lây nhiễm HBV.
Trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm HBV được gọi là viêm gan B cấp tính với biểu hiện giống cảm cúm, buồn nôn, nôn, đôi khi vàng da, vàng mắt, đau bụng, nước tiểu sẫm màu. Sau 6 tháng, 90% trường hợp nhiễm HBV ở người trưởng thành sẽ hồi phục hoàn toàn và chỉ có 10% chuyển thành người lành mang mầm bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ nhiễm HBV từ lúc mới sinh, bệnh diễn biến khác hẳn: khoảng 90% số trẻ này sẽ trở thành người mang mầm bệnh mạn tính. Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, có thể không có biểu hiện lâm sàng, cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Vì vậy, cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan.
Bệnh viêm gan B có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm máu tại bệnh viện hoặc phòng khám. Kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính có thể do:
- Nhiễm HBV mạn tính tiến triển: HBV đang nhân đôi, đang tăng sinh, gây ra phản ứng viêm kéo dài trong gan.
- Người lành mang mầm bệnh, tuy không có triệu chứng gì, nhưng có thể truyền sang người khác.
- Tiền sử đã nhiễm HBV, cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch và thải trừ hoàn toàn HBV.
Khi có kết quả HBsAg dương tính, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa gan mật để được đánh giá xác định xem có bị viêm gan tiến triển hay không, để có hướng điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị với những thuốc nào, liều lượng và thời gian dùng thuốc ra sao. Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp, hạn chế uống rượu, có lối sống lành mạnh, chủ động phòng tránh lây bệnh cho người khác. Bện nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần điều trị ổn định trước khi mang thai và cần được tư vấn và điều trị để phòng tránh lây nhiễm cho con.
Chúc bạn sức khỏe!