Đau nhức toàn thân
Chào bạn!
Qua thông tin trong thư, bạn có thể bị dị ứng với các tổn thương ngoài da phát ban, mày đay và ngứa. Bạn không cho biết rõ vị trí nào trên cơ thể bị ảnh hưởng, chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể góp phần gây bệnh..., nên rất khó tư vấn cụ thể. Tuy vậy, tôi xin cung cấp thêm thông tin để bạn tham khảo.
Mày đay là một dạng dị ứng với những yếu tố kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, đa số trường hợp có liên quan tới cơ địa mẫn cảm dị ứng (bố mẹ, anh chị em hoặc bản thân bị hen, eczema). Triệu chứng mày đay khá điển hình. Tổn thương biểu hiện thành từng vết sẩn có đường kính 1-2 cm hoặc thành đám sẩn to, hình dáng bất kỳ, tròn hoặc vằn vèo, ranh giới rõ, gồ lên mặt da, màu đỏ. Bệnh nhân ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, tổn thương mọng lên, nổi thêm nhiều đám khác. Vài giờ, vài ngày sau, các sẩn có thể lặn, không để lại di chứng gì trên da. Nhưng bệnh có xu hướng tái phát, rất thất thường, do nhiều yếu tố. Đợt nổi đầu tiên gọi là mày đay cấp; những đợt sau đó 4-8 tuần gọi là mày đay tái phát, mạn tính.
Các nguyên nhân gây nổi mày đay vào ban đêm có thể là: do giường, chiếu, chăn, gối, vải trải giường... không sạch sẽ, có các vi sinh vật (nấm mốc, vi khuẩn...) gây dị ứng cho da; lông cho, mèo, vật nuôi trong nhà gây dị ứng; không khí ẩm thấp, hoặc xung quanh có hoa nở vào ban đêm gây ra dị ứng; côn trùng cắn, đốt; dị ứng thời tiết...
Không rõ tình trạng dị ứng của bạn đã từ bao lâu, bạn đã đi khám và điều trị gì? Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, mẩn ngứa thì bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng, tránh gãi hay chà xát mạnh để tránh làm da xây xước, chảy nước, nhiễm trùng. Bạn nên đi khám bệnh chuyên khoa da liễu, tìm nguyên nhân gây dị ứng để tìm cách loại trừ hoặc phòng tránh nguyên nhân mới có thể khỏi bệnh, không nên để tình trạng dị ứng kéo dài sẽ gây khó khăn trong điều trị sau này.
Chúc bạn sức khỏe!