THẮC MẮC

Uống thuốc điều trị dạ dày mắc bệnh lạ

E do bị bệnh về dạ dày nên bác sĩ đã cho uống thuốc OMEPRAZOLE 40 MG DR CAPS. Sau 10 ngày em đã đỡ nhiều nhưng trong quá trình uống thuốc có phát sinh bệnh lạ, khoảng 3-4 ngay đầu bụng em đau và không đi đại tiện được do táo bón khoảng 3 ngày sau thì em không có cảm giác gì, nhưng mới ngày hôm qua là ngày thứ 9, em cảm giác nặng đầu, hoa mắt chóng mặt. Do em sợ mình cao huyết áp nên đã do thì được 140/90 Hiện tại người của em sau 1 ngày đã dỡ nhiều, nhưng em thấy tê tay chân và bắp tay bắp chân. đầu vẫn còn choáng váng, Nhưng do bên đây CN nên em k thể ra phòng khám được, em muốn hỏi em bị tình trạng gì và tại sao bị. em 10 bữa nay đã giảm khẩu phần ăn, ăn uống chia làm 4 bữa và chỉ ăn ít thịt + tôm thái nhỏ + rau củ (cải xanh + xà lách và hôm wa là cần tây). Em muốn hỏi bác sĩ là em có sao k ạ vì em cảm thấy hôm nay em không có sức lực.

Tư vấn

Chào bạn!
Omeparazole la một thuốc có tác dụng làm giảm tiết dịch vị dạ dày, dùng trong bệnh viêm loét dạ dày. Tuy ít gặp nhưng thuốc này có thể có một số tác dụng phụ sau:
* Thường gặp:
- Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng.
* Ít gặp:
- Mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi.
- Nổi mày đay, ngứa, nổi ban.
- Tăng tạm thời transaminase
* Hiếm gặp:
- Ðổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốt, phản vệ.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các tế bào máu, ngoại biên, mất bạch cầu hạt.
- Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt là ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
- Vú to ở đàn ông.
- Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng.
- Viêm gan vàng da hoặc không vàng da, bệnh não ở người suy gan.
- Co thắt phế quản.
- Ðau khớp, đau cơ.
- Viêm thận kẽ.
Như vậy, bạn bị táo bón có thể do chế độ ăn cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc. Để khắc phục tình trạng này bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường rau xanh và chất xơ, uống nhiều nước.
Ngoài ra đối với chỉ số huyết áp 140/90 mmHg đã đủ để chẩn đoán người bệnh bị tăng huyết áp độ 1, tuy nhiên chỉ số này chỉ đáng tin cậy khi được đo đúng kỹ thuật và đo ít nhất 2 lần bởi nhân viên y tế. Tăng huyết áp có thể gây nên các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tê yếu tay chân…bạn cần phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị cụ thể. Ngoài ra bạn cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng:
+ Giảm ăn mặn (< 6 gam muối hay 1 thìa càphê muối mỗi ngày).
+ Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
+ Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.
- Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
Chúc bạn sống khỏe!