THẮC MẮC

Viêm họng mãn tính cần lưu ý gì?

B&aacutec sỹ cho hỏi vi&ecircm họng m&atilden t&iacutenh cần lưu &yacute những g&igrave?

Tư vấn

Chào bạn,
Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng; bệnh rất hay gặp. Người bệnh thường thấy khô họng, nóng rát họng hoặc cảm giác ngứa họng, vướng họng thường xuyên, nhất là khi ngủ dậy; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy), ho nhiều vào ban đêm hoặc khi lạnh. Người bệnh phải cố khạc đờm, hắng giọng để long đờm cho bớt khó chịu. Những triệu chứng này sẽ rõ hơn khi uống rượu, hút thuốc lá, nói nhiều.
* Viêm họng mạn tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra:
- Cơ địa: Bệnh thường gặp ở những người có chức năng niêm mạc họng kém.
- Thói quen: Hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thường xuyên làm việc trong những môi trường kín, nhiều khói thuốc…
- Môi trường: Bụi, khói, hóa chất, hơi nóng (ô nhiễm không khí ở các thành phố công nghiệp, trong các nhà máy, lò mổ, bếp ăn…); Những khác biệt lớn và liên tục về nhiệt độ, độ ẩm trong không khí (do dùng máy điều hòa nhiệt độ…);
- Những bệnh gây nghẹt mũi như viêm mũi xoang dị ứng, viêm xoang, lạm dụng thuốc nhỏ mũi, sùi vòm họng, đuôi cuốn mũi dưới quá phát, polyp mũi khiến người bệnh phải thở bằng miệng, dễ dẫn đến viêm họng mạn tính. Khi bị viêm xoang mủ mạn tính, mủ từ trong xoang liên tục chảy từ cửa mũi sau xuống họng, do đó có thể gây viêm họng mạn tính.
- Răng sâu là những ổ nhiễm trùng thường trực, có thể gây viêm họng mạn tính.
- Các nguyên nhân khác bao gồm rối loạn nội tiết (mãn kinh, nhược giáp), thiếu vitamin A, rối loạn toàn thân (suy thận, suy tim, tiểu đường, suy hô hấp, viêm phế quản mạn tính), cơ thể suy nhược do những bệnh mạn tính khác.
* Cách tốt nhất để chữa viêm họng là hạn chế các yếu tố thuận lợi làm cho viêm họng phát triển như: môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh; tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng; đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, thường xuyên súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, giữ ấm vùng cổ, ngực; tránh nằm máy lạnh quá lâu… Ngoài việc súc miệng bằng nước muối, có thể ngậm chanh với muối; gừng với muối; quất với đường phèn hoặc mật ong…
Khi bị viêm họng nặng, phải đến khám bác sĩ, nếu phải dùng kháng sinh thì bạn phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
* Một số lưu ý để phòng tránh viêm họng:
- Thường xuyên mở cửa sổ để thoáng khí: giúp tránh mắc các bệnh đường hô hấp.
- Vệ sinh khoang miệng: Súc miệng nước muối vào buổi sáng và tối, sau đó uống 1 ly nước muối nhạt để làm sạch và bôi trơn cho cổ họng.
- Giữ ấm, phòng bệnh mũi họng: Khi ngủ, không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh, sau khi tắm gội cần sấy hoặc lau khô ngay. Những khi thời tiết lạnh, sáng sớm khi ra ngoài cần đeo khẩu trang để tránh mũi họng bị kích thích. 
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn các thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu hoá, chứa nhiều nước, mềm, có tác dụng thanh nhiệt. Nên ăn nhiều các loại rau quả có chứa vitamin C, thực phẩm giàu collagen và elastin như gan động vật, thịt nạc, móng lợn, sữa, đậu, … Tránh ăn các thực phẩm gây kích thích như gừng, tỏi, hạt tiêu, ớt… Uống nhiều nước; Không hút thuốc, uống rượu.
- Dùng nước muối xông họng: Lấy 1 bát to đựng nước muối đun sôi, mở miệng to và hít thở làn khói đang bốc lên. Mỗi lần 10-15 phút, ngày 2-3 lần.