THẮC MẮC

Viêm phế quản dùng thuốc thế nào?

Em năm nay 29 tuổi, là nữ giới, em muốn hỏi bác sĩ, em một tháng nay khó thở hay khạc gia đờm, nhưng khi đi khám bác sĩ và chụp XQUANG, bác sĩ kết luận em bị viêm phế quản, nhưng em uống nhiều thuốc mà không khỏi, khi em uống kháng sinh nặng HAGINAT 500mg thì thấy đỡ, khi uống hết thuốc thì lại bị, xin bác sĩ cho em lời khuyên và dùng thuốc nào thì tốt, nhiều lúc như không thở được em thấy lo lắng, mong bác sĩ giúp em. Em cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào em,
Viêm phế quản là một bệnh lý của đường hô hấp trong đó niêm mạc các phế quản phổi trong phổi bị viêm, niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây khó thở, ho và đôi khi kèm theo đờm đặc. Viêm phế quản được chia thành 2 dạng: cấp tính (dưới 6 tuần) và mạn tính (tái phát thường xuyên, trên 2 năm). Những bệnh nhân hen phế quản khi niêm mạc phế quản viêm gọi là viêm phế quản dạng hen.
Viêm phế quản cấp tính thường gặp ở người lớn và trẻ em. Hầu hết các nhiễm trùng ban đầu thường do virus, đôi khi do vi khuẩn.
Các dấu hiệu hay gặp khi bị viêm phế quản cấp tính là ho liên tục, có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh. Sốt, thường sốt cao, rét run. Đôi khi người bệnh có cảm giác đau dưới xương ức khi thở. Nếu cơ thể trong tình trạng sức khỏe tốt thì niêm mạc đường hô hấp sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi hết nhiễm trùng trong vài ngày. Điều trị thông thường cho viêm phế quản cấp tính bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể sử dụng các thuốc xịt làm giãn phế quản và thuốc ho. Nếu có bội nhiễm thì dùng kháng sinh. Bệnh nhân cần đi khám và điều trị khi các triệu chứng ho tăng lên, kéo dài, hoặc ho ra máu…
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng ho khạc lâu ngày. Viêm phế quản mạn tính thường do một hoặc nhiều yếu tố gây nên. Có thể do nhiều đợt viêm phế quản cấp lặp đi lặp lại kéo dài, làm suy yếu và gây kích thích phế quản, dẫn đến viêm phế quản mạn tính. Do ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với khói bụi, nghiện thuốc lá nặng, v.v...
Viêm phế quản mạn thường chia làm 3 loại chính: thể đơn thuần ho, khạc đờm nhày; thể đờm mủ (hay mắc đi mắc lại); thể khó thở. Nguyên nhân chủ yếu là sự xâm nhập của vi khuẩn và sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Yếu tố thuận lợi khác là khói thuốc lá, không khí ô nhiễm làm suy giảm sức chống đỡ của niêm mạc. Dấu hiệu lúc đầu là ho và khạc đờm. Ho xảy ra nhiều trong 1 năm, xuất hiện thành từng đợt, dễ xuất hiện khi trời trở lạnh hoặc thay đổi thời tiết, có thể ho khan nhưng thường ho có đờm màu trắng và có bọt. Ho lâu ngày, đờm thường đặc hơn, có màu vàng và có mủ. Các đợt ho đờm thường lặp đi lặp lại, lúc đầu 4-5 lần/năm, mỗi lần 10-15 ngày, về sau thường xuyên và kéo dài hơn. Khó thở thường xảy ra ở giai đoạn muộn hơn. Lúc đầu khó thở nhẹ, cảm thấy nặng nề như bị đè nén trong ngực, dần dần bệnh nhân cảm thấy thiếu không khí thực sự.
Điều trị viêm phế quản mạn cần chống nhiễm khuẩn mới; phục hồi lưu thông không khí; chống nguy cơ suy hô hấp. Người bệnh không tự ý mua thuốc ho ngoài quầy thuốc để điều trị viêm phế quản mạn tính trừ khi có đơn của bác sĩ vì ho có tác dụng tống chất đờm ra ngoài. Trên thực tế, bác sĩ kê thuốc long đờm cho bệnh nhân có ho khan hoặc đờm quá đặc không khạc ra ngoài được. Cần theo dõi màu sắc, số lượng, độ đặc của đờm để dùng kháng sinh, thường dùng kháng sinh phổ rộng từ 5-10 ngày để điều trị nhiễm trùng. Nếu viêm phế quản mạn đi kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì bác sĩ có thể kê thêm thuốc giãn phế quản để giãn tạm thời các phể quản bị hẹp trong phổi và cũng có thể dùng thêm nhóm thuốc steroid để làm giảm hiện tượng viêm trong phế quản. Trường hợp viêm phế quản mạn tính kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, có thể cho bệnh nhân thở oxy liên tục hoặc tùy theo nhu cầu vì cơ thể bị suy giảm khả năng vận chuyển oxy từ phổi vào máu.
Với bệnh viêm phế quản của em, em không nói rõ em dùng kháng sinh haginat 500mg thời gian bao lâu, và uống nhiều thuốc mà không khỏi là những thuốc gì, môi trường sống và làm việc có tiếp xúc với bụi như bụi than, ngũ cốc, vải, bông... thì chúng tôi khó có thể tư vấn cho em được. Em nên đi khám bác sỹ chuyên về hô hấp để làm thêm các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm phế quản của em và có phác đồ điều trị phù hợp cho em. Em cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ và nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước...
Chúc em mau khỏe!