THẮC MẮC

Viêm phổi thùy điều trị không có tiến triển tốt

Xin chào! Tôi có đọc bài viết của bác sĩ về bệnh viêm thùy phải. Các triệu trứng sinh lý con tôi đang bị đúng như vậy. Như con tôi đang điều trị tại Viện Nhi TW sau 3 ngày điều trị không thấy có tiến triển tốt mà lại ngược lại. Sau khi chụp X- quang và siêu âm bác sĩ chẩn đoán con tôi có dịch màng phổi, phổi đen hơn ngày nhập viện. Tôi thực sự thấy lo lắng và phân vân có nên tiếp tục điều trị theo phác đồ này không? Rất mong nhận được tư vấn. Cám ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Thông tin về tình trạng bệnh của cháu bé viết trong thư quá ít để có thể tư vấn cụ thể cho bạn. Dù vậy, tôi xin cung cấp một số thông tin về bệnh viêm thùy phổi ở trẻ em để bạn tham khảo.
Viêm thùy phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em là đối tượng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và có khi phát triển thành dịch, hoặc xảy ra sau các trường hợp nhiễm virut ở đường hô hấp trên.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, rét run, sốt dao động trong ngày, đau tức ở ngực, khó thở nhẹ, mạch nhanh, ho khan, toàn trạng mệt mỏi, gầy sút, chán ăn...
Thường từ ngày thứ 3 trở đi, các triệu chứng lâm sàng đầy đủ hơn, tình trạng nhiễm trùng nặng lên với sốt cao liên tục 39-40oC, mệt mỏi, gầy sút, biếng ăn, khát nước, nôn mửa, chướng bụng, đau bụng, đau ngực tăng lên, khó thở nặng hơn, ho nhiều, đờm đặc có màu gỉ sắt hay có máu, nước tiểu ít và sẫm màu. Lúc này trẻ thường được cha mẹ đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ khám thực thể, làm các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, đặc biệt là soi tươi và cấy đờm để tìm căn nguyên gây bệnh (virut, vi khuẩn...), làm kháng sinh đồ để điều trị đặc hiệu. Trên thực tế không dễ dàng xác định được tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay virut, cho dù đa số trường hợp (80-85%) viêm phổi ở trẻ em là virut, nhưng vì tỉ lệ trẻ bị bội nhiễm rất cao nên kháng sinh là thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm phổi và viêm phổi nặng. Bên cạnh đó, bé sẽ được điều trị hỗ trợ hô hấp, tăng cường dinh dưỡng làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể, hạ sốt, giảm ho...
Nếu cơ thể bé có sức đề kháng tốt, điều trị sớm và đúng thì bệnh sẽ thoái lui sau 7-10 ngày, nhiệt độ giảm dần, toàn trạng khỏe hơn, ăn cảm thấy ngon, nước tiểu tăng dần, ho nhiều và đờm loãng, trong, đau ngực và khó thở giảm dần.
Nếu không điều trị hay điều trị không đúng, sức đề kháng quá kém thì bệnh sẽ nặng dần và có thể tử vong khi tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc tăng lên; suy hô hấp; nhiễm trùng huyết; áp xe phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi, màng tim...
Trong thư, bạn không nói rõ con bạn đã được điều trị như thế nào. Rất thông cảm với tâm lý lo lắng và sốt ruột của các bậc cha mẹ, song tôi khuyên bạn nên tin tưởng vào tay nghề của các nhân viên y tế, cũng như các trang thiết bị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Việc điều trị bệnh, nhất là trong trường hợp bệnh nặng, nhất thiết phải do các bác sĩ chỉ định, nếu cần thay đổi thuốc điều trị cũng phải do bác sĩ quyết định. Thay vì phân vân, bạn và gia đình nên tích cực phối hợp với nhân viên y tế để giúp cháu vượt qua bệnh tật.
Chúc cháu mau khỏi!