THẮC MẮC

Viêm xung huyết dạ dày chữa thế nào?

Thưa Bác sĩ! Tôi bị đau dạ dày viêm xung huyết niêm mạc đi khám nhiều nơi mà không khỏi. Hiện tại tôi vẫn bị đầy bụng, khó tiêu, ăn hơi nhiều là khó chịu, buồn nôn. Vậy bệnh của tôi là thế nào? Nhờ Bác sĩ tư vấn cho. Xin cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn,
Viêm niêm mạc dạ dày là hậu quả của sự kích thích niêm mạc bởi các yếu tố ngoại sinh hoặc nội sinh như: nhiễm độc hóa chất, nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP), các rối loạn miễn dịch…
Viêm niêm mạc dạ dày được chia thành 2 nhóm là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính..
Viêm cấp tính
Nguyên nhân
Các yếu tố làm tăng tiết acid dịch vị dạ dày đồng thời làm giảm sản xuất các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày (dịch nhày bao phủ, pepsin…), giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày, do đó làm cho chất acid ứ đọng trong lòng dạ dày dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày:
- Thuốc: Aspirin, thuốc kháng viêm không có steroid, corticoid…
- Thức ăn: thức ăn cay nóng, gây dị ứng…
- Hóa chất: Rượu, thuốc lá, ngộ độc thuốc trừ sâu, acid…
- Vi khuẩn, virút: trong thức ăn hoặc thường gặp nhất là HP (Helicobacter pylori)
- Stress, tia xạ…
Triệu chứng
Viêm dạ dày cấp tính có thể không có triệu chứng gì nếu bệnh nhẹ. Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể đau bụng, nhiều, nhất là vùng thượng vị, đầy chướng bụng, khó tiêu ăn mất ngon, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn. Nặng hơn nữa (viêm có loét chảy máu) có thể nôn ra máu và đi cầu ra phân đen.
Nguyên tắc điều trị
* Không dùng thuốc
- Hạn chế thức ăn kích thích dạ dày: rượu, thuốc lá, cafe, chè, đồ uống có ga, đồ ăn cay nóng…
- Chia làm nhiều bữa trong ngày, ăn nhẹ, thức ăn lỏng mềm, đủ dinh dưỡng
- Thể dục thể thao điều độ, ăn ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh căng thẳng stress, không thức quá khuya…
- Hạn chế dùng thuốc đã kể trên
* Dùng thuốc
- Giảm tiết acid dịch vị dạ dày,
- Bao bọc bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Diệt vi khuẩn
- Giảm đau, chống co thắt
Viêm mạn tính
Nguyên nhân
- Sử dụng lâu ngày của các thuốc kháng viêm không phải steroid, corticoid…
- Nhiễm vi khuẩn H. pylori,
- Thiếu máu ác tính (còn gọi là thiếu máu tế bào khổng lồ hay thiếu hấp thu vitamin B12, một loại bệnh tự miễn),
- Thoái hóa của lớp niêm mạc dạ dày theo tuổi,
- Trào ngược dịch mật mạn tính.
- Thói quen ăn uống: Nuốt nhiều, nhanh, nhai không kỹ, bữa ăn không đúng giờ giấc, Ăn nhiều thức ăn có nhiễm chất các hoá học dùng trong nông nghiệp và kỹ nghệ thực phẩm, Ăn nhiều gia vị (chua, cay), uống cà phê đặc, uống rượu, hút thuốc lá lâu ngày sẽ tác động có hại cho niên mạc dạ dày và gây bệnh.
- Các yếu tố hóa – lý ( phóng xạ, quang tuyến ), một số thuốc nhuận tràng dùng kéo dài, các thuốc bột kiềm gây trung hoà dịch vị quá mức sẽ dẫn tới phản ứng đột biến tăng tiết a xít HCL làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Suy dinh dưỡng: thiếu sắt, thiếu B12, thiếu a xít folic, vitamin C, vitamin PP, thiếu protein.
- Rối loạn nội tiết : trong suy yếu tuyến yên, bệnh Hashimoto, thiểu năng cận giáp, bệnhAddison, tiểu đường …
- Dị ứng: Một số bệnh ngoài da (mày đay, eczema…) hoặc do ăn uống
- Yếu tố miễn dịch..
- Các rối loạn tâm lý rối loạn thần kinh thực vật, có thể gây nên viêm dạ dày và rối loạn tiêu hoá.
- Yếu tố di truyền: thấy rõ hơn cả trong bệnh Biermer (hấp thu B12 kém )
Triệu chứng
- Cảm giác nặng bụng, chướng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo lỏng thất thường.
- Nóng rát vùng thượng vị : xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau ăn uống một số thứ như : bia, rýợu, vang trắng, gia vị cay, chua hoặc ngọt. Sau ăn mỡ xuất hiện nóng rát có thể là do trào ngược dịch mật vào dạ dày. Có một số trường hợp nóng rát xuất hiện muộn sau bữa ăn.
- Đau vùng thượng vị : Không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thường xuyên tăng lên sau ăn.
Nguyên tắc điều trị
- Điều trị các nguyên nhân nếu có,
- Bảo vệ niêm mạc dạ dày, kích thích bài tiết nhầy
- Duy trì tái sinh niêm mạc, Cải thiện tuần hoàn niêm mạc
- Điều trị chống vi khuẩn H. pylori.
- Chống co thắt,
- Chống stress
- Ăn chậm, nhai kỹ, ăn những loại thức ăn dễ tiêu, nấu chín kỹ, khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lý, tránh loại thức ăn nhiều chất xơ, quá nóng, qua lạnh, cứng rắn. Kiêng các chất cay, chua, mỡ rán, rượu, cà phê, thuốc lá.
Để điều trị viêm niêm mạc dạ dày cần xác định đúng nguyên nhân, kết hợp dùng thuốc với thay đổi về lối sống và dinh dưỡng. Bạn nên kiên trì tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ, cũng như đi khám lại theo lịch hẹn để theo dõi tiến triển của bệnh.
Chúc bạn sức khỏe!