THẮC MẮC

Xung huyết niêm mạc trực tràng +trĩ nội độ 2 uống thuốc gì được?

Chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi là chồng em năm nay 24 tuổi. Hay đau bụng đi vệ sinh, đi khám thì bác sĩ kết luận là xung huyết niêm mạc trực tràng +trĩ nội độ 2. Vậy bây giờ bác sĩ kê cho em đơn thuốc được không ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Chồng bạn phải dùng thuốc theo đơn của bác sỹ thăm khám kê, chúng tôi không được phép kê đơn chỉ qua lời kể của bạn. Chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho bạn hướng điều trị và chế độ ăn uống sinh hoạt tốt cho người bệnh. Cụ thể với bệnh trĩ, cần lưu ý chế độ ăn để hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn:
Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chất nhuận tràng rất có ích cho người bị trĩ. Chất xơ nằm nhiều trong các loại rau xanh như rau cải, xà lách, cải xoong, rau muống, rau đậu, hoa lơ trắng, hoa lơ xanh, rau cần, cà rốt, củ cải, cải cúc, ngải cứu... Trong đó, có thể kể đến các loại tốt cho người bệnh như rau mồng tơi, rau đay, mướp, rau lang, rau dền. Những loại rau này không chỉ có nhiều chất xơ mà còn có chất nhầy giúp nhuận tràng. Bệnh nhân cơ địa hay táo bón nên nấu canh các loại rau này để ăn hàng ngày.
Hầu hết loại hoa quả đều tốt cho bệnh nhân trĩ hay táo bón như cam, quýt, bưởi, mận, roi, mãng cầu, củ đậu, dâu tây, dưa hấu... Tuy nhiên, có một số loại quả vì độ ngọt quá cao mà bạn nên tránh như mít, xoài... hoặc các loại quả ướp muối ớt, tương ớt. Các loại quả này cung cấp vitamin nhưng gây nóng ruột, nóng trong, dễ táo bón.
Một điểm chú ý, đó là nước ép hoa quả có hàm lượng chất xơ nhỏ hơn hoa quả ‘nguyên miếng’ rất nhiều. Và nước rau thì không có chất xơ.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt vì nó có chứa tất cả phần dinh dưỡng của hạt, cung cấp nhiều chất xơ, protein và các vi chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc tinh chế (như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, khoai môn, củ từ, củ sắn dây...). Vì vậy, thay thế cơm bằng một bát rau củ trên, có thể giúp bổ sung chất xơ mà vẫn cảm thấy no.
Bạn cần bồ sung thêm sữa chua vì nó cung cấp thêm các phế phẩm sinh học mang lại lợi ích cho tiêu hóa, các lợi khuẩn trong sữa chua giúp bộ máy tiêu hóa của bạn tốt hơn và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Các chế phẩm sinh học trong sữa chua cũng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh trĩ.
Đồng thời, bạn cần uống nhiều chất lỏng, uống nước hoặc chất lỏng khác thêm mỗi ngày. Chất lỏng có sẽ giúp phân mềm, do đó việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn. Chất lỏng có thể có nguồn gốc từ sữa, nước, nước tinh khiết (nên uống ít nhất 8-10 cốc nước một ngày), trà thảo dược, nước dùng của món ăn. Các loại nước ép trái cây và nước ép rau quả chứa ít chất xơ hơn nhiều so với việc ăn các thực phẩm này.
Người bệnh cần tránh thức ăn có gia vị cay nóng như ớt và hạt tiêu, gừng tươi (có tính nóng), mù tạt (có tính cay, ấm), thịt gà lôi (có rất nhiều chất béo)... Người bệnh không nên sử dụng rượu, bia, nước uống có gas, đặc biệt là các loại rượu mạnh và hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá. Bạn cũng nên bớt lượng muối vì muối có thể gây kích ứng và làm cho ngứa tồi tệ hơn. Lượng muối thường có trong các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, thịt nguội…
Chúc gia đình bạn sức khỏe!