THẮC MẮC

Xương ống cẳng chân lớn thì được đóng đinh nội tủy ngay thẳng còn cái xương ống cẳng chân nhỏ thì chỗ gãy vẫn lệch 1/3 mà không có xử lý gì có sao không?

Thưa bác sĩ, em là nữ, năm nay 36 tuổi, em bị gãy xương ống cẳng chân phải ngày thứ 27 và đã mổ đóng đinh nội tủy được 25 ngày. Hôm nay em đi tái khám, trên phim của em chụp sáng nay em thấy cái xương ống cẳng chân lớn thì được đóng đinh nội tủy ngay thẳng còn cái xương ống cẳng chân nhỏ thì chỗ gãy vẫn lệch 1/3 mà không có xử lý gì. Xin bác sĩ vui lòng cho em hỏi " có phải khi phẫu thuật cho em ekip mổ đã bỏ sót không nắn hay nẹp lại cái xương ống cẳng chân nhỏ cho em không ạ? Giờ em phải làm sao ạ? Liệu để vậy nó có lành và có bị tật về sau không ạ?" Chế độ luyện tập sau mổ cho em bây giờ là như thế nào ạ? Em đang bị sỏi thận phải 5mm và sỏi niệu quản trái 10mm, ứ nước độ II ở thận trái nữa, em có thể uống thêm Bài Thạch hoặc thuốc đông y trị sỏi thận trong khi chờ Chân liền xương được không ạ? Chân thành cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ. Rất mong được sự tư vấn và lời khuyên của bác sĩ ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Cẳng chân theo giải phẫu có hai xương: xương chầy to, xương mác nhỏ. Xương mác khi bị gãy thường liền nhanh, dẫu có can lệch cũng không ảnh hưởng cơ năng của cẳng chân. Mục đích điều trị gãy xương gồm: tạo can xương tốt không ngắn chi, không xoay, không cứngkhớp gối và cổ chân. Bạn đừng lo nhé.
Khi bị gãy 2 xương cẳng chân thì ngoài việc gãy xương sẽ bao gồm cả tổn thương tại các gân cơ dây chằng vùng đó. Riêng với gãy xương cẳng chân sẽ cần từ 8-12 tháng để lành xương, đặc biệt là với những trường hợp gãy xương hở thì khả năng lành sẽ lâu hơn. Việc vận động sau gãy xương sẽ phụ thuộc nhiều vào hồi phục sau gãy của mỗi người là khác nhau, nhưng người bệnh cần phải tự giác, chủ động kiên trì chịu đau nhằm phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ sẽ giúp cho tỉ lệ liền xương được tốt hơn. Tập đi sẽ bắt đầu ngay từ khi xương chưa liền nhưng tập đi làm sao cho đúng và không ảnh hưởng tới vết gãy thì cần có sự hướng dẫn trực tiếp của các bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu.
Cùng với việc tập đi là các phương pháp khác giúp phục hồi tốt hơn như biện pháp xoa nắn, tập cử động khớp, cử động các ngón chân và cổ chân để giúp máu huyết lưu thông... Điều này giúp vết thương mau lành và tránh cứng khớp cũng như co rút gân cơ. Nếu cháu không luyện tập sẽ dẫn tới cứng khớp...
Trường hợp không có điều kiện tái khám tại nơi đã mổ thì có thể đến khoa ngoại chấn thương - phục hồi chức năng của một bệnh viện đa khoa gần nhà để khám là được. Ở đó, các bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và tư vấn cụ thể cách luyện tập. Điều cần nói là cháu hãy tập đi nhưng làm theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu nhé.
Việc dùng thuốc phải theo đơn của bác sỹ điều trị bạn không nên tự ý dùng thêm bất cứ thuốc gì, bạn cung cấp tiền sử cho bác sỹ để được kê đơn an toàn.
Chúc bạn sức khỏe!