Nhiều người trong chúng ta bị chứng mất ngủ ở các giai đoạn khác nhau trong đời. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và tâm trí. Điều quan trọng là bạn phải biết cách để có giấc ngủ ngon.
Bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ chia sẻ cho bạn 10 cách để chống lại chứng mất ngủ cũng như nâng cao chất lượng giấc ngủ để tinh thần luôn minh mẫn, tươi trẻ.
1. Chọn đúng tư thế khi ngủ
Nguồn: Brightside.me
Nếu có những vấn đề khi ngủ, bạn nên để ý đến tư thế ngủ, chẳng hạn như:
- Nằm ngửa khi ngủ là cách tốt nhất để giảm chứng mất ngủ vì lúc này cả đầu, cổ và cột sống được nghỉ ở tư thế trung lập. Mặc dù không có nhiều người ngủ với tư thế này, các chuyên gia khuyến cáo rằng đây là tư thế tốt nhất để có một giấc ngủ ngon.
- Ngủ nằm nghiêng như hình dạng bào thai có thể hạn chế hô hấp và khiến bạn cảm thấy đau khớp hoặc đau lưng vào buổi sáng. Theo thống kê, tư thế nằm nghiêng, gập đầu gối khá phổ biến, có đến 41% người lớn nằm ngủ với hình dáng thai nhi. Tuy nhiên, tư thế này chỉ được khuyến khích cho phụ nữ mang thai (vì giúp cải thiện lưu thông máu) nhưng có thể không tốt cho người bình thường.
- Nằm sấp là tư thế tệ nhất nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon và khỏe mạnh. Cột sống khó giữ được vị trí trung lập khi bạn nằm sấp, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến lưng và cổ. Ngoài ra, cách ngủ này có thể khiến bạn cảm thấy tê liệt do tạo áp lực lớn lên khớp và cơ bắp.
2. Không dùng nệm cũ
Nguồn: Brightside.me
Một tấm nệm với chất lượng kém có thể là nguyên nhân gây ra mất ngủ và các vấn đề khác khi bạn ngủ. Các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn đã dùng một tấm nệm quá 7 năm, bạn nên kiểm tra lại xem liệu nó còn hỗ trợ tốt cho tư thế ngủ hay không.
Các bộ phận của cơ thể sẽ tạo ra áp lực khác nhau lên nệm. Khi nệm đã cũ, nó sẽ mất khả năng hỗ trợ cơ thể để giúp bạn ngủ ngon. Trên thị trường có rất nhiều loại nệm, bạn có thể lựa chọn sản phẩm tốt nhất tùy thuộc vào hình dạng cơ thể, các vấn đề về sức khỏe và tình hình tài chính bản thân.
3. Thử làm “công thức ngủ ngon”
Nếu bạn khó chìm vào giấc ngủ hoặc hay giật mình tỉnh giấc vào giữa đêm, hãy thử công thức giúp ngủ ngon với một ít đường mía và muối biển. Bạn hãy đặt hỗn hợp này dưới lưỡi để có thể giải quyết các vấn đề về giấc ngủ. Đường có tác dụng làm dịu trong khi muối sẽ giúp cơ thể kiểm soát mức adrenaline.
4. Tập viết nhật ký hàng ngày
Nếu suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến mức độ lo lắng của bạn tăng thêm và bạn càng khó đi vào giấc ngủ. Vì vậy, trước khi ngủ, bạn hãy dành ra 15 phút để viết lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Phương pháp này giúp bạn tập trung vào những điều tốt đẹp, giảm mức độ căng thẳng và lo lắng, đồng thời cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ của bạn.
5. Giới hạn giấc ngủ trưa
Rất nhiều người đã nghĩ rằng ngủ trưa vào ban ngày là cách tốt nhất để bù lại giấc ngủ đã mất từ tối hôm trước nhưng đó thật sự là một sai lầm. Những giấc ngủ ngắn trong ngày có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu ngủ trưa, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ ngủ đúng giờ và không ngủ quá lâu (khoảng 15–20 phút).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ trưa hơn 2 tiếng đồng hồ hoặc ngủ trưa từ 3–5 giờ chiều có chất lượng giấc ngủ kém vào ban đêm. Do đó, nếu bạn muốn dễ ngủ vào buổi tối, hãy ngủ trưa đúng lúc (từ 12 đến 2 giờ chiều) và ngủ tối đa 30 phút.
6. Để đồng hồ ngoài tầm mắt
Nếu thường nhìn vào đồng hồ, bạn sẽ khó tập trung vào giấc ngủ cũng như cảm thấy lo lắng hơn. Bạn chỉ cần để đồng hồ báo thức ở nơi bạn có thể nhìn thấy và cố gắng tạo ra một bầu không khí thư giãn trong phòng ngủ mà không có âm thanh hay ánh sáng làm phiền.
7. Tập thở
Tập thở rất hữu ích trong việc điều trị chứng mất ngủ, giúp làm dịu hệ thần kinh. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Đầu tiên, bạn ngồi thoải mái và giữ thẳng lưng. Đặt ngón tay cái vào lỗ mũi phải và ngón đeo nhẫn trên lỗ mũi trái.
- Dùng ngón cái chặn lỗ mũi phải và hít đầy khí qua lỗ mũi trái. Đóng cả hai mũi lại, đếm 5 nhịp đếm và sau đó thở ra qua lỗ mũi phải.
- Tiếp theo, bạn hít qua lỗ mũi phải, giữ hơi rồi thở ra qua lỗ mũi trái. Bạn có thể hít dài hơn với mỗi chu kỳ mới của bài tập. Thực hiện bài tập này khoảng 9 lần.
8. Ăn thực phẩm tốt cho giấc ngủ
Lượng magiê trong cơ thể thấp có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ. Magiê có trong một số thực phẩm như rau bó xôi, các loại bơ, hạt và một số sản phẩm khác khiến thư giãn hệ thần kinh và cơ bắp, tạo điều kiện cho giấc ngủ ngon. Ngoài ra, magiê giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân, một trong những nguyên nhân khiến bạn thức giấc vào ban đêm.
Đậu xanh là một thực phẩm rất giàu axit amin và tryptophan có vai trò quan trọng trong việc duy trì giấc ngủ.
Các thành phần hóa học được tìm thấy trong kiwi cũng giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ, tăng thời gian và chất lượng của giấc ngủ.
9. “Phân tán tư tưởng”
Phương pháp này giúp bạn hình dung ra những việc sẽ khiến mình hạnh phúc, khi đó tâm trí sẽ bình yên và dễ chịu hơn. Khi nằm trên giường, hãy cố gắng tưởng tượng đến nơi mà bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và an toàn. Sau cùng, khi tận hưởng cảm giác thư giãn đó, bạn sẽ gạt bỏ được những căng thẳng và lo lắng của mình.
10. Đừng cố ép bản thân ngủ
Nghe qua có vẻ kỳ lạ nhưng việc giữ tinh thần tỉnh táo sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. Một khái niệm nhận thức gọi là “cố ý nghịch lý” (paradoxical intention) được sử dụng để điều trị các vấn đề về bệnh tâm lý khác nhau, bao gồm triệu chứng mất ngủ.
Theo phương pháp này, bạn hãy cứ tỉnh táo thay vì luôn cảm thấy lo lắng trong việc cố gắng ngủ. Vì vậy, lần tới khi gặp vấn đề về giấc ngủ, bạn hãy chọn một cuốn sách hoặc bật một vài bản nhạc hay để nghe. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy nhanh buồn ngủ và dễ ngủ hơn đấy.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được một giấc ngủ ngon và lành mạnh.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Cách chữa mất ngủ kéo dài do lo âu, suy nhược thần kinh bằng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược
- Mối liên hệ giữa ngủ không đủ giấc, trầm cảm và đau mạn tính
- Tác động của việc thiếu ngủ đến cơ thể rất nghiêm trọng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!