Bạn thấy khi tâm trạng xấu thì cơ thể cũng mệt mỏi theo? Cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi bạn biết kiểm soát tốt thì cơ thể cũng khỏe mạnh hơn hẳn!
Cơ thể của bạn sẽ bộc lộ những gì bạn đang cảm thấy hoặc suy nghĩ. Đây chính là một dạng liên kết giữa tâm lý và thể chất. Mỗi khi bạn cảm thấy stress, lo lắng hoặc đau buồn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách thể hiện cho bạn thấy có một vấn đề nào đó đang xảy ra. Chẳng hạn, bạn sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp hoặc bị loét dạ dày sau khi gặp một sự kiện gây căng thẳng quá độ như trải qua sự mất đi một người thân yêu.
Những người luôn có những cảm xúc và thái độ tích cực trong cuộc sống thường có xu hướng mắc ít bệnh tật hơn so với những người luôn có tâm trạng tiêu cực. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề xuất hiện trong cuộc sống thường nhật có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên xấu đi. Chính những cảm xúc tiêu cực này sẽ dẫn đến chứng căng thẳng, lo lắng hoặc buồn bã quá độ.
Theo khảo sát, bạn có thể cảm thấy tồi tệ nếu như trải qua những tình trạng sau: bị mất việc, mất đi người thân yêu, vừa ly hôn hoặc kết hôn, bị chấn thương hoặc bệnh tật lâu ngày. Nếu học được cách kiểm soát tâm trạng của bản thân, bạn sẽ có thể chống lại stress, áp lực và những vấn đề gây phiền muộn trong đời sống và công việc.
1. Chia sẻ cảm xúc với người bạn yêu thương
Nếu tâm trạng bạn cảm thấy căng thẳng, buồn bã hoặc lo lắng thì đây sẽ là tác nhân gây nên các vấn đề sức khỏe của bạn, việc giữ những cảm xúc tiêu cực này sâu trong lòng sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Vì thế, bạn nên tìm đến những người mình yêu thương như bạn bè hay người thân để tâm sự cho họ biết về những điều làm bạn buồn lòng.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng gia đình và bạn bè không thể luôn luôn ở bên để giúp bạn đối mặt với những cảm xúc tiêu cực này. Đôi lúc bạn cũng cần học cách bộc lộ cảm xúc theo cách riêng của mình như viết nhật ký, hát trong nhà tắm, khóc thỏa thích… Điều quan trọng nhất là bạn không nên giữ trong lòng quá lâu những ý nghĩ tiêu cực vì sẽ rất dễ dẫn đến trầm cảm.
2. Học cách suy nghĩ một cách tích cực
Hãy cố gắng học cách phớt lờ những vấn đề trong công việc, trường học hoặc gia đình làm bạn cảm thấy muộn phiền hoặc mệt mỏi. Bạn nên tránh suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề, điều này sẽ nhanh chóng làm bạn cảm thấy stress.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn phải giả vờ cảm thấy vui vẻ mỗi khi có tâm trạng tồi tệ hoặc chán nản. Điều quan trọng là bạn hãy học cách đối mặt với những cảm xúc này, và hãy cố gắng tập trung vào những mặt tích cực trong cuộc sống. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc có lối sống và suy nghĩ tích cực sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp bạn tránh nguy cơ mắc một số bệnh lý do tâm trạng gây ra.
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm những biện pháp để tập cách thích ứng và vượt qua những biến cố trong cuộc sống, tác nhân chính khiến bạn cảm thấy quá tải về mặt cảm xúc. Thay vì chìm đắm trong nỗi buồn, sự giận dữ, hãy dành thời gian để thực hiện những gì bạn yêu thích.
3. Phát triển khả năng tự điều chỉnh tâm trạng
Những người có khả năng điều chỉnh tâm trạng chính là người có thể đối mặt với các cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng tự phục hồi cảm xúc thông qua một số biện pháp khác nhau, chẳng hạn như thay đổi góc nhìn tích cực hơn, học cách chấp nhận sự đổi mới, tập thích nghi với môi trường làm việc khác nhau.
Một trong những cách đơn giản giúp bạn phát triển khả năng tự điều chỉnh tâm trạng chính là đọc sách hoặc xem phim. Hãy chọn một quyển sách về chủ đề đang khiến bạn bận tâm: tình yêu, hôn nhân, gia đình, công việc… Những khi bị bủa vây bởi các ý nghĩ tiêu cực, bạn có thể xem một bộ phim có nhiều tình tiết ly kỳ đến mức khiến bạn quên cả vấn đề hiện tại. Những liệu pháp nhẹ nhàng này sẽ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn để sau đó sẽ suy xét vấn đề một cách thấu đáo nhất có thể.
4. Thực hiện các biện pháp giúp bình tâm
Những biện pháp giúp bạn cảm thấy bình tâm, chẳng hạn như tập luyện yoga, thiền định, nghe nhạc, sẽ giúp bạn cân bằng lại cảm xúc của mình. Mỗi khi bạn cảm thấy muốn bùng nổ cảm xúc như giận dữ quá mức, hãy nhắm mắt lại, hít thở thật sâu vài lần và nghĩ về những niềm vui bạn trải qua.
Đây cũng là một cách ngồi thiền giúp bạn bình tĩnh, lấy lại cân bằng về mặt cảm xúc. Bạn có thể tập luyện bài tập khác nhau bởi vì thiền có nhiều loại bài tập rất đa dạng. Chẳng hạn như, bạn có thể tập luyện bằng cách thực hiện các bài co giãn cơ hoặc hít thở sâu.
5. Tự chăm sóc sức khỏe của bản thân
Để trau dồi sức khỏe tâm lý và cải thiện cảm xúc, điều quan trọng là bạn cần phải học cách chăm sóc bản thân bằng cách rèn luyện thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh. Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ sớm và đủ giấc, có chương trình tập luyện phù hợp để giảm thiểu căng thẳng. Ngoài ra, hãy tránh tình trạng ăn không kiểm soát và lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.
Mặc dù cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe, song phần lớn chúng ta đều không hề nhận ra cho đến khi cơ thể biểu hiện những triệu chứng trầm trọng. Vì vậy, hãy luôn chú ý điều chỉnh tâm trạng luôn ở trạng thái tích cực để tránh những nguy cơ lâu dài về sau bạn nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tầm quan trọng của thái độ tích cực tại nơi làm việc
- 7 cách xử lý những vấn đề sức khỏe bạn thường gặp
- 20 cách giúp bạn phòng tránh cảm lạnh và cảm cúm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!