Ăn nhiều mà vẫn không thể tăng cân, vì sao?

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Ăn nhiều mỡ, duy trì thói quen ăn đêm là cách tăng cân phổ biến của nhiều người, nhưng đây lại là phương pháp sai lầm.

Tại sao ăn nhiều vẫn gầy?

Theo thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung, thực chất tăng cân không hề khó, việc này đơn giản hơn giảm cân rất nhiều.

Để tăng trọng lượng cơ thể cần hai yếu tố: khách quan và chủ quan. Trước hết, để đảm bảo cân nặng đạt chuẩn, bạn cần chú ý đưa năng lượng vào cơ thể chuẩn về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, cần lưu ý không phải cứ ăn nhiều sẽ tăng cân. Thay vào đó, cơ thể cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm dinh dưỡng.

Lương y Vũ Quốc Trung cho hay, có 3 nhóm chất quan trọng bao gồm bột đường, chất đạm và chất béo. Bên cạnh đó, vitamin và khoáng chất cũng khá quan trọng đối với cơ thể.

Do đó, trong các bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần chủ động và ý thức việc cân đối đủ 4 nhóm chất này, bởi thiếu hụt bất cứ thành phần nào cũng đều khiến cơ thể trở nên ốm yếu.

Tuy nhiên, thực tế, có người ăn rất nhiều song không thể tăng cân, thậm chí rất gầy. Lý giải điều này, lương y Quốc Trung cho hay nguyên nhân duy nhất là do quá trình hấp thu thức ăn của cơ thể.

Ăn nhiều mà vẫn không thể tăng cân, vì sao?

Việc tăng cân còn dễ dàng hơn việc giảm cân (Ảnh minh họa: Internet)

'Thức ăn vào cơ thể sẽ qua rất nhiều quá trình. Đầu tiên là quá trình chuyển hóa, ví dụ tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường, chất đạm thành các axít amin, chất béo thành các axít béo. Những cấu trúc đơn giản ấy sẽ được cơ thể hấp thu qua hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là ruột non. Dạ dày co bóp làm nhỏ thức ăn, đến ruột non thức ăn sẽ được hấp thu ở các mao mạch của ruột.

Hệ thống emzym – men tiêu hóa sẽ là chất xúc tác để chuyển hóa thức ăn. Nếu men tiêu hóa không đủ, cơ thể sẽ không thể hấp thụ được thức ăn. Đó chính là lý do bạn không thể tăng cân', lương y Vũ Quốc Trung giải thích.

Vì vậy khi cơ thể bị gầy dù đã được duy trì một chế độ ăn khoa học, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn, điều trị của bác sĩ. Để khắc phục tình trạng kém hấp thu của cơ thể, trong tây y, bác sĩ sẽ giúp bạn bổ sung các vitamin, khoáng chất dưới dạng viên tổng hợp, axít amin. Còn trong đông y cũng có rất nhiều vị thuốc tốt, như mạch nha, hạt đậu trắng nảy mầm, sơn tra (táo mèo phơi khô), thần khúc,… Chúng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng một cách toàn vẹn nhất.

'Nếu cơ thể hấp thụ dinh dưỡng như đúng bản chất của nó, chuyện tăng cân không hề khó', lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ. Ông Trung cũng đưa ra lời khuyên hàng ngày bạn cần nạp năng lượng vào cơ thể cao hơn lượng calorie bị tiêu hao do các hoạt động đơn giản như như hô hấp, tim đập…

Mỗi độ tuổi, thể trạng, tình trạng sống và làm việc sẽ có những nhu cầu năng lượng nhất định. Chẳng hạn người làm việc chân tăng cần tăng về chất đường bột, làm việc trí óc lại thiên về chất đạm, trẻ con có nhu cầu lớn về sữa, đậu, súp,…

Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo việc tăng cân cũng chỉ nên có giới hạn nhất định, không nên lạm dụng bởi có thể dẫn tới béo phì - nguyên nhân gây rất nhiều căn bệnh nguy hiểm hiện nay như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu...

Ngược lại với người gầy, có nhiều người rất béo dù ăn rất ít, thậm chí không ăn, đa phần trong độ tuổi trung niên. Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa. Điều này không thể xem thường. Ví dụ khi bị rối loạn chất đường bột sẽ gây tiểu đường, rối loạn chất béo gây tim mạch, rối loạn chất đạm gây gút… Các rối loạn này thường gặp ở người cao tuổi vì các chức năng của cơ thể lúc này bị suy yếu.

3 sai lầm phổ biến khi tăng cân

Theo lương y Quốc Trung, nguyên tắc tăng cân cần đảm bảo hai yếu tố về dinh dưỡng và khả năng hấp thụ. Song, nhiều người vì quá sốt ruột muốn béo nên đã có những hành động sai lầm không những không thể tăng cân mà còn khiến cơ thể mắc bệnh.

- Ăn nhiều mỡ để béo: Không phải ăn mỡ sẽ béo. Muốn tăng cân phải cung cấp đủ dinh dưỡng cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Nếu chỉ tập trung ăn nhiều chất béo sẽ khiến bạn khó tiêu hóa, đặc biệt gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

- Ăn liên tục:Những thứ bạn ăn chưa chắc đã cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Trong khi đó, nếu ăn liên tục như vậy sẽ khiến hệ tiêu hóa mệt mỏi, khó hấp thu và đến bữa chính bạn lại không ăn được nhiều.

- Ăn đêm: Nhiều người cố tình ăn nhiều vào buổi tối để tăng cân. Song, đây là cách làm phản khoa học, lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi lại phải làm việc trong khi làm việc mệt mỏi lại không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết.

Do đó, muốn béo lên, bạn phải chú ý đến chế độ ăn uống và kiểm soát năng lượng nạp vào để tìm ra nguyên nhân khiến mình bị gầy. Trong trường hợp không thể điều chỉnh bằng chế độ ăn uống, mới cần đến thuốc để điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!