Bệnh dại và cách phòng tránh

Cần biết - 04/20/2024

Bệnh dại là bệnh kinh điển lâu đời nhất được biết đến của loài người gây ra bởi virut Lyssaviruses thuộc họ Rhabdoviridae.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người gây ra 2 thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ là thường gặp ở người. Khi bệnh nhân đã khởi phát bệnh thì không có cách gì có thể cứu chữa được. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa được bệnh dại nếu điều trị trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Con đường lây truyền bệnh dại

Virut dại xâm nhập hệ thần kinh động vật có vú. Virut dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt động vật mắc bệnh sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào. Lưu ý, động vật dại khi liếm vết thương hoặc liếm niêm mạc mũi, miệng cũng có thể truyền virut dại sang người.

Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virut dại chủ yếu chiếm 96-97%, sau đó là mèo: 3-4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.Lây truyền từ người sang người có thể xảy ra qua nước bọt của người bị bệnh chứa virut dại. Nhưng trong thực tế, chưa có tài liệu nào công bố, trừ trường hợp cấy ghép giác mạc của người chết vì bệnh dại sang người được ghép.

Biểu hiện của bệnh dại trên người

Sau khi vào cơ thể, virut dại xâm nhập dây thần kinh di chuyển đến tủy sống và não với tốc độ 12-24mm mỗi ngày. Người bệnh thay đổi hành vi và biểu hiện triệu chứng bệnh khi virut đến não.

Bệnh dại và cách phòng tránh

Xối rửa vết thương bằng nước và xà phòng ngay sau khi bị chó mèo cắn để phòng bệnh dại.

Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một 5 hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virut xâm nhập cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương ở đầu và cổ hay vùng có nhiều dây thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Người nhiễm virut dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Có 2 thể bệnh lâm sàng ở người là thể hung dữ và thể liệt. Thể hung dữ, bệnh nhân thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước (Hydrophobia), bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản... Ở thể liệt, bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

Điều trị bệnh dại như thế nào?

Không có điều trị đặc hiệu một khi đã phát bệnh dại. Hầu như không can thiệp gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân thoải mái, chăm sóc giảm nhẹ cho nỗi đau thể xác và tinh thần.

Người chăm sóc bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh bị cắn và nhiễm nước bọt từ màng nhầy và vết thương bằng cách sử dụng bảo hộ y tế cá nhân.

Giữ bệnh nhân trong phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các kích thích có khả năng làm tăng co thắt và co giật.

An thần chống co thắt cơ và kích thích.

Nuôi ăn bằng miệng thường khó thực hiện nên thường dùng đường truyền tĩnh mạch.

Xử trí khi bị động vật cắn

Nếu một người bị động vật cắn, ngay lập tức:

Xối rửa ngay vết thương bằng xà phòng và nước trong khoảng 10- 15 phút, nếu không có xà phòng thì xối rửa bằng nước. Đây là bước điều trị tại chỗ rất hiệu quả chống lại bệnh dại.

Khi bệnh nhân đã khởi phát bệnh thì không có cách gì có thể cứu chữa được. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa được bệnh dại nếu điều trị trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Rửa sạch vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn iodine nếu có.

Đến ngay trung tâm y tế để được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, cần tránh băng bó hoặc bôi thuốc kín vết thương, khâu vết thương sẽ làm virut dại dễ dàng thâm nhập hơn.

Đối với những vết thương lớn cần phải khâu thì phải đảm bảo rằng tất cả các vết thương đều được thấm đẫm/phong bế bằng huyết thanh kháng dại (RIG) trước khi khâu.

Việc khâu vết thương nên tiến hành khâu ngắt quãng/bỏ mũi, không cản trở việc máu chảy tự do và đặt ống dẫn lưu. Thường thì lần khâu thứ 2 sẽ mang lại yếu tố thẩm mỹ hơn.

Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc-xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc-xin và HTKD.

Vắc-xin dại: Nước ta từ năm 1992 đã dùng vắc-xin dại tế bào Verorab là vắc-xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Các loại vắc-xin phòng dại hiện đại đều bất hoạt, an toàn, hiệu quả và có thể sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang cho con bú. Nó không có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi cũng như trẻ trong quá trình bú sữa mẹ. Không có bằng chứng cho việc virut dại qua được hàng rào nhau thai mẹ và những đứa trẻ được sinh ra qua mổ lấy thai đều hoàn toàn khỏe mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!