BS Vũ Chí Dũng: Dễ chẩn đoán nhầm dấu hiệu RLCHBS

Cần biết - 05/19/2024

BV Nhi TƯ là một trong những nơi phát hiện số lượng bệnh nhân RLCHBS rất lớn so với các trung tâm khác trên thế giới.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS. Vũ Chí Dũng, trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương về vấn đề này.

PV: Xin bác sĩ cho biết rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (RLCHBS) là gì? Bệnh này có phổ biến ở Việt Nam không?

BS Vũ Chí Dũng: RLCHBS là các bệnh di truyền đơn gen, trong đó quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể bị khiếm khuyết 1 phần hoặc hoàn toàn. Sự khiếm  khuyết là do thiếu hụt các enzym (men) tham gia vào quá trình chuyển hóa, hoặc thiếu hụt các protein vận chuyển, cũng có thể là thiếu hụt các yếu tố đồng vận, hoặc thiếu hụt thụ thể nhận cảm của các enzym. Quá trình thiếu hụt này là do đột biến một gen đặc hiệu nào đó.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành triển khai sàng lọc 2.500 cháu có biểu hiện bệnh, nguy cơ cao như có anh chị em ruột mắc một RLCHBS đặc hiệu nào đó, hoặc trong cùng một gia đình có anh chị em ruột trước đó đã tử vong cùng một thời điểm, lứa tuổi giống nhau mà không rõ nguyên nhân hoặc đột tử không rõ nguyên nhân. Qua sàng lọc thì phát hiện ra 10% (tức 259 trẻ) mắc 3 nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa lớn là RLCH axít amin, RLCH axít hữu cơ và RLCH chu trình ure.

250 cháu thì mắc 25 nhóm bệnh khác nhau, trong đó có những bệnh rất hiếm trên thế giới nhưng lại phổ biến ở nước ta.

PV: RLCHBS có phải là bệnh di truyền không? Vì có những gia đình có hơn 1 trẻ mắc bệnh này?

Phải khẳng định RLCHBS là bệnh di truyền, di truyền đơn gen. Các bệnh có thể tuân theo quy luật lặn NST thường, trội NST thường. Lặn NTS thường là đứa trẻ phải nhận được 2 alen đột biến từ bố và mẹ thì mới bị bệnh. Trội NST thường thì chỉ cần 1 alen. Cũng có thể di truyền lặn liên kết giới tính, tức là gen truyền bệnh từ mẹ sang. Thậm chí di truyền theo ADN của ti thể, tức là mẹ truyền cho con. Cơ chế di truyền thì rất phức tạp nhưng khẳng định đây là bệnh di truyền.

BS Vũ Chí Dũng: Dễ chẩn đoán nhầm dấu hiệu RLCHBS

BS.Vũ Chí Dũng, trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương

PV: Với những gia đình đã có 1 trẻ bị RLCHBS thì phải lưu ý những gì khi chuẩn bị có con tiếp? Cần phải xét nghiệm những gì để biết được bé thứ hai có nguy cơ mắc RLCHBS hay không? 

Khi một gia đình có 1 trẻ bị mắc bệnh RLCHBS đặc hiệu nào đó mà đã được khẳng định bằng các xét nghiệm hóa sinh đặc hiệu hoặc phân tích phân tử, thì cũng giống như các bệnh di truyền đơn gen khác, chúng ta có thể chẩn đoán trước sinh cho các lần mang thai sau.

Các bước tiếp theo được tiến hành sẽ là khẳng định tình trạng người lành mang gen ở bố và mẹ. Khi mang thai, sản phụ sẽ được tư vấn nếu như có khả năng sinh thiết gai rau thì tiến hành từ tuần 11-12 để phân tích phân tử gen đặc hiệu để phát hiện đột biến mà đã được xác định ở cháu đầu tiên. Hoặc đến tuần 16, lấy mẫu bệnh phẩm là mẫu nước ối để phân tích đột biến của bào thai để tìm đột biến giống trẻ trước đó trong gia đình.

PV: Những dấu hiệu ban đầu của RLCHBS có thể nhầm lẫn với rất nhiều bệnh khác nhau nên bố mẹ chủ quan hoặc không biết, chỉ đưa trẻ đến bệnh viện khi quá muộn và gây khó khăn trong việc cứu chữa. Vậy đâu là những dấu hiệu đặc trưng nhất giúp phát hiện bệnh này?

Trước hết phải khẳng định triệu chứng của RLCHBS là không đặc hiệu, có thể giống bất kể 1 bệnh lý nào khác. Vì thế có tới 20-25% các cháu sơ sinh ở các cơ sở điều trị hồi sức cấp cứu sơ sinh được chẩn đoán là nhiễm khuẩn máu nhưng trên thực tế đã mắc RLCHBS mà đã bị bỏ qua, không được chẩn đoán.

Triệu chứng lại tùy theo nhóm bệnh, theo lứa tuổi khởi phát bệnh. RLCHBS được chia làm 3 nhóm lớn theo cơ chế bệnh sinh. Việc phân chia này giúp xác định rõ ràng hơn các dấu hiệu của bệnh cũng như trong thực hành lâm sàng về chẩn đoán và điều trị.

Nhóm 1 là các bệnh lý có biểu hiện bệnh gây nên do cơ chế nhiễm độc, bao gồm RLCH axít amin, RLCH axít hữu cơ máu và các bệnh lý do thiếu hụt chuyển hóa của chu trình ure do thiếu các enzyme chuyển hóa amoniac.

BS Vũ Chí Dũng: Dễ chẩn đoán nhầm dấu hiệu RLCHBS

Trẻ sơ sinh bỏ bú, quấy khóc, li bì, co giật, rối loạn nhịp thở có thể là dấu hiệu của RLCHBS (Ảnh minh họa: Internet)

Trước và trong thời gian mang thai, thai nhi và bà mẹ hoàn toàn bình thường. Đứa trẻ đủ tháng, đủ cân, bà mẹ không hề có nguy cơ gì và em bé sinh ra rất khỏe mạnh. Khoảng thời gian từ khi sinh ra đến khi xuất hiện các triệu chứng thì trẻ không có gì bất thường. Nhưng sau khi bú sữa mẹ hoặc ăn sữa nhân tạo, sau khoảng 24-48 giờ thì có biểu hiện khóc nhiều hơn, li bì, thậm chí hôn mê, bú kém, co giật, rối loạn nhịp thở, ngừng thở, có khi bị suy gan, suy thận.

Trẻ lớn hơn có thể xuất hiện các biểu hiện như các đợt nôn tái phát, mất nước, nhiễm toan chuyển hóa, hội chứng não cấp, co giật, hôn mê. Khi thăm khám cho các cháu thì dễ nhầm với biểu hiện của nhiễm trùng hoặc viêm mũi họng.

Các triệu chứng thường xuất hiện gắn liền với chế độ ăn uống, ví dụ trẻ chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm.

Ngoài ra, trẻ bị RLCHBS còn có biểu hiện chậm phát triển tinh thần, vận động. Hoặc có thể dựa trên mùi nước tiểu của trẻ với những mùi rất đặc trưng. Ví dụ RLCH axít amin thì ngửi mùi nước tiểu giống mùi đường cháy trong bệnh 'maple syrup', mùi đi tất, chuột chù hoặc nấm mốc trong một số RLCHBS axít hữu cơ máu.

Nhóm 2 là RLCH thiếu hụt sản sinh năng lượng. Triệu chứng có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai, thai nhi chậm phát triển. Biểu hiện trong khi sinh đứa trẻ giống như bị ngạt. Dấu hiệu sau đẻ thì rất phức tạp, có thể là suy hô hấp, tổn thương cơ tim, tổn thương thần kinh trung ương (hội chứng não cấp, chậm phát triển tinh thần vận động...).

Nhóm 3: RLCH tích tụ các đa phân tử. Khi quá tình tích tụ đủ lớn để gây tổn thương, có thể xuất hiện 1 tuổi, 2 tuổi, 5-7 tuổi, thậm chí người lớn. Ví dụ người lớn cơ tim phì đại không rõ nguyên nhân sàng lọc cũng phát hiện mắc RLCHBS.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến RLCHBS? Và có cách nào để phòng tránh mắc bệnh không thưa bác sĩ?

Đây là bệnh di truyền. Mỗi cơ thể người tiềm ẩn trong người 8-10 gen khuyết tật khác nhau. Đại đa số bệnh là di truyền lặn NST thường. Tức là khi đứa trẻ nhận 2 alen bất thường từ bố mẹ, quá trình kết hôn ngẫu nhiên khi cặp vợ chồng có cùng đột biến ở gen nhất định. Tỷ lệ sinh lý thuyết để 1 cháu bị RLCHBS là 25% ở mỗi lần mang thai. Cũng giống như 7.000 bệnh di truyền khác, RLCHBS là do sự kết hợp, truyền từ bố và mẹ hoặc đến thế hệ cháu mới xuất hiện đột biến.

Để phòng tránh nguy cơ mắc RLCHBS thì công tác tư vấn tiền hôn nhân rất quan trọng. Tiếp theo là tư vấn tiền thụ thai. Tuy nhiên 2 cách này chỉ áp dụng cho một số bệnh.

Còn hiện giờ có một cách thực tế hơn là sàng lọc sơ sinh mở rộng. Đối với các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, ở châu Á có Đài Loan, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn quốc: từ một mẫu máu có thể sàng lọc ra 20 bệnh, thậm chí 50 bệnh ở Mỹ. Việc sàng lọc giúp phát hiện bệnh trước khi trẻ có các biểu hiện lâm sàng sẽ giúp việc điều trị được dễ dàng hơn.

Đối với những gia đình có 1 trẻ bị RLCHBS thì việc tư vấn di truyền trước khi mang thai rất quan trọng.

BS Vũ Chí Dũng: Dễ chẩn đoán nhầm dấu hiệu RLCHBS

Việc sàng lọc trước và ngay sau khi sinh giúp phát hiện kịp thời bệnh RLCHBS (Ảnh minh họa: Internet)

PV: Khi chăm sóc trẻ bị RLCHBS thì bố mẹ cần phải lưu ý những gì?

Đối với các cháu bị RLCHBS thì bất kể gặp một stress nào cũng có thể thúc đẩy cơ thể đang ở trạng thái ổn định rơi vào trạng thái mất bù của quá trình chuyển hóa. Lúc đó, các triệu chứng sẽ bộc lộ. Một trong những tiêu chí quan trọng là không để các cháu nhịn đói kéo dài. Ví dụ ở tuổi bú mẹ thì không được để nhịn đói quá 3 tiếng đồng hồ. Không để các cháu rơi vào tình trạng gắng sức, ví dụ tập thể dục liên tục… Đấy là một trong những điều kiện đẩy các cháu vào trạng thái mất bù.

Một số bệnh khi rơi vào trạng thái này thì biểu hiện rất rõ là nôn và hạ đường máu. Lúc này, biện pháp rất đơn giản là cung cấp glucose - cho uống nước đường. Nếu các cháu uống kém thì ngay lập tức phải đưa đến cơ sơ y tế gần nhất để truyền dung dịch đường glucose 10%. Sau đó chuyển các cháu lên BV Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Trong thời gian vừa rồi, BV Nhi Trung ương đã triển khai làm việc với các y tế cơ sở và tư vấn cho các gia đình rất tốt. Cho nên khi các cháu rơi vào trạng thái cấp cứu như vậy thì đã có những bước xử lý rất thỏa đáng và nhiều cháu qua được cơn nguy hiểm.

PV: Trong khoảng 10 năm điều trị cho bệnh nhân RLCHBS thì có trường hợp nào khiến bác sĩ không thể quên?

250 cháu điều trị ở BV Nhi Trung ương là 250 hoàn cảnh khác nhau. Kỷ niệm buồn rất nhiều nhưng kỷ niệm vui cũng không ít. Trong những năm đầu thì kỷ niệm buồn nhiều hơn. Có gia đình cả 4 cháu cùng mắc RLCHBS và đều không qua khỏi.

Cách đây 10 năm, một gia đình có 3 con trai đều mất vào ngày thứ 5 sau khi sinh. Bé trai thứ 4 được chuyển đến BV Nhi Trung ương vào ngày thứ 2 sau sinh. Vì cháu có 3 anh trai đã mất trước đó nên có tiền sử bệnh rất cao. Ở thời điểm đó chưa có các phương pháp điều trị như bây giờ. Đến ngày thứ 4, cháu khóc rồi li bì, hôn mê sâu rồi tử vong. Phải 2 tháng sau khi mẫu bệnh phẩm của cháu được gửi ra nước ngoài, chúng tôi mới biết cháu bị RLCHBS ở chu trình chuyển hóa ure.

Năm 2014, cũng trong hoàn cảnh tương tự khi một bé trai nhập viện mà 2 anh của cháu đã mất trước đó. Nhưng bé trai này đã được cấp cứu kịp thời, được hỗ trợ hô hấp máu, lọc máu, ngay hôm sau cháu bé đã khỏe lại và hiện tại phát triển bình thường.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị cho trẻ bị RLCHBS nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn.

Điều quan trọng để phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh này là cần phải trang bị kiến thức về bệnh cho các nhân viên y tế tuyến cơ sở và các bậc cha mẹ để kịp thời cấp cứu cho các cháu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn việc đưa các sản phẩm dinh dưỡng và thuốc hiếm, chuyên biệt cho các cháu RLCHBS được dễ dàng hơn để giảm nỗi lo và chi phí cho các gia đình.

>> Xem thêm: Chuyên gia đầu ngành tư vấn về rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

PV

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!