Cảnh báo nguy cơ khi xuất huyết âm đạo trong thai kỳ

Chuẩn bị mang thai - 04/30/2024

Hello Bacsi - Bài viết chia sẻ về tình trạng xuất huyết âm đạo trong thai kỳ ở 20 tuần đầu và giai đoạn sau và các triệu chứng nguy hiểm mẹ bầu cần biết.

Chắc hẳn bạn sẽ rất lo lắng nếu phát hiện mình bị chảy máu âm đạo khi đang mang thai. Tuy nhiên, sự xuất huyết nào là bình thường còn khi nào là bất thường? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về xuất huyết âm đạo trong thai kỳ và các biến chứng có thể xảy ra.

Xuất huyết trong 20 tuần đầu thai kỳ

Theo thống kê, có đến 25-40% tình trạng xuất huyết âm đạo trong nửa đầu của thai kỳ là bình thường. Xuất huyết âm đạo trong nửa đầu thai kỳ thường do các nguyên nhân sau:

  • Sự làm tổ của phôi (“máu báo”): đây là dấu hiệu đầu tiên của có thai, xuất hiện trong khoảng từ ngày 6-12 của thai kỳ;
  • Nhiễm trùng vùng chậu hoặc nhiễm trùng tiểu;
  • Nếu bạn bị chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, bạn nên ngưng việc quan hệ tình dục và đi khám bác sĩ để được tư vấn về “chuyện giường chiếu” trong thai kỳ.

Tuy nhiên, xuất huyết âm đạo trong nửa đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu của những biến chứng tồi tệ khi mang thai mà bạn nên cẩn thận:

Sẩy thai: đây hẳn là từ tối kỵ với các mẹ bầu. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng xuất huyết âm đạo là một dấu hiệu của sẩy thai. Các dấu hiệu khác bao gồm đau trằn bụng dưới hoặc có những “vật thể lạ” dính trong máu.

Theo thống kê, chỉ khoảng 20-30% phụ nữ bị xuất huyết âm đạo bất thường trong giai đoạn sớm của thai kỳ và chỉ một nửa trong số đó sẽ có khả năng bị sẩy thai.

Thai ngoài tử cung: là tình trạng phôi làm tổ ở một vị trí khác ngoài tử cung, có thể là ống dẫn trứng, ổ bụng,… Vị trí thường gặp nhất của thai ngoài tử cung là ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung ít gặp hơn so với sẩy thai. Triệu chứng thường gặp của thai ngoài tử cung bao gồm: đau trằn nặng bụng dưới, đau ở một vùng nhất định trong bụng, nồng độ β-hCG thấp, xuất huyết âm đạo.

Nếu bạn từng bị viêm nhiễm ống dẫn trứng, từng bị thai ngoài tử cung hay có phẫu thuật vùng chậu trước đó, nguy cơ mắc thai ngoài tử cung của bạn cũng cao hơn.

Thai trứng: đây là một trong những nguyên nhân hiếm gặp có thể gây xuất huyết âm đạo, liên quan đến sự tăng sinh của các tế bào bất thường. Thai trứng còn được gọi là bệnh lý nguyên bào nuôi do thai kỳ.

Các triệu chứng của thai trứng bao gồm: xuất huyết âm đạo, tăng bất thường nồng độ β-hCG, không có tim thai hoặc nhìn thấy hình ảnh nhiều cụm giống chùm nho trong tử cung khi siêu âm.

Xuất huyết trong 20 tuần sau thai kỳ

Các nguyên nhân thường thấy gây xuất huyết âm đạo trong 20 tuần sau của thai kỳ là nhiễm trùng hoặc tăng sản ở cổ tử cung. Chảy máu muộn có thể là một dấu hiêu nguy hiểm cho mẹ và bé. Vì vậy, tốt hơn hết, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ hiện tượng xuất huyết xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3.

Nhau bong non: xuất huyết âm đạo có thể là hậu quả của tình trạng nhau bong ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi chuyển dạ, thường xảy ra vào 12 tuần cuối của thai kỳ. Chỉ khoảng 1% mẹ bầu gặp tình trạng này với các triệu chứng như xuất huyết âm đạo và đau vùng dạ dày.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị nhau bong non bao gồm: phụ nữ có tiền căn sinh đẻ, trên 35 tuổi, tiền căn bong nhau, mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, cao huyết áp, chấn thương hoặc tổn thương dạ dày và sử dụng cocaine.

Nhau tiền đạo: là tình trạng nhau bám thấp ở đoạn dưới tử cung, che kín một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung. Đây là một tình trạng nguye hiểm mà sản phụ phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tỉ lệ xảy ra khoảng 1/200 thai phụ.

Triêu chứng của nhau tiền đạo chủ yếu là xuất huyết âm đạo bất thường không kèm đau.

Phụ nữ có tiền căn sinh đẻ, tiền căn sinh mổ, tiền căn phẫu thuật tử cung hoặc đang có thai sinh đôi, sinh ba có nguy cơ bị nhau tiền đạo cao hơn.

Sinh non: xuất huyết âm đạo cũng có thể là một dấu hiệu của chuyển dạ. Trước khi xảy ra chuyển dạ, nút nhầy cổ tử cung sẽ bong ra, các chất nhầy và máu sẽ chảy ra ngoài âm đạo. Nếu hiện tượng này xảy ra sớm, có thể bạn sẽ có nguy cơ sanh non và bạn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời.

Các triệu chứng chính của sanh non bao gồm: chảy dịch âm đạo (nhớt, máu,…), đau trằn nặng bụng dưới, đau âm ỉ vùng thắt lưng, co thắt dạ dày kèm hoặc không kèm tiêu chảy, các cơn co tử cung diễn ra thường xuyên và đều đặn hơn.

Khi mang thai, bạn nên cực kì lưu ý với bất kì hiện tượng nào để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!