Chứng khó ngủ là do đâu và làm sao để chữa trị nó?

Tâm lý - 04/20/2024

Một người trưởng thành luôn cấn ngủ 7–8 tiếng mỗi ngày nhưng rất khó để đạt được khoảng thời gian này nếu bạn mắc chứng khó ngủ.

Một người trưởng thành luôn cần ngủ 7–8 tiếng mỗi ngày nhưng rất khó để đạt được khoảng thời gian này nếu bạn mắc chứng khó ngủ.

Mất ngủ đôi khi do những nguyên nhân rất đơn giản nhưng có khi là do tác dụng phụ của một chứng bệnh nào đó. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị chứng này nhé.

Tin vắn về bệnh khó ngủ (bệnh mất ngủ)

Có rất nhiều nguyên nhân gây chứng khó ngủ như ăn uống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, stress… Thông thường, chứng mất ngủ là do tác nhân phụ (thứ yếu) như bệnh tật hoặc thói quen, lối sống gây ra. Ước tính có khoảng 30–40% người Mỹ ghi nhận mình gặp phải tình trạng mất ngủ mỗi năm.

Các tác nhân gây mất ngủ bao gồm các yếu tố tâm lý, thuốc men và mức cân bằng hormone trong cơ thể. Các phương pháp chữa trị bằng thuốc men hoặc thay đổi thói quen sống có thể hữu ích cho việc điều trị.

Chứng khó ngủ là gì?

Chứng khó ngủ là thuật ngữ chỉ tình trạng bạn cảm thấy khó ngủ vào ban đêm. Tình trạng có thể bao gồm việc gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ hoặc thức dậy nhiều lần trong suốt cả đêm. Bệnh này thường được chia thành ba loại:

  • Chứng mất ngủ tạm thời – là tình trạng xảy ra khi các triệu chứng kéo dài khoảng ba đêm;
  • Chứng mất ngủ cấp tính – hay còn gọi là chứng mất ngủ ngắn hạn. Các triệu chứng thường kéo dài trong vài tuần;
  • Chứng mất ngủ mạn tính – là tình trạng kéo dài hàng tháng hay thậm chí trong nhiều năm. Theo các nghiên cứu, phần lớn các trường hợp mất ngủ kinh niên đều do tác dụng phụ của một vấn đề sức khỏe khác gây ra.

Chứng bệnh này có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Tình trạng thiếu ngủ cũng có thể khiến bạn bị nhức đầu thường xuyên hoặc khó tập trung khi làm việc.

Hầu hết mọi người đều mắc chứng khó ngủ vào một số thời điểm trong cuộc sống. Theo báo cáo của các nghiên cứu cho biết, có gần 30% người trưởng thành ở Mỹ chỉ ngủ mỗi đêm khoảng 6 tiếng hoặc ít hơn. Vài người có thể cảm thấy đầy năng lượng và tỉnh táo sau giấc ngủ dài 6–7 tiếng. Tuy nhiên, hầu hết người trưởng thành đều cần khoảng 8 tiếng mỗi đêm để nghỉ ngơi.

Các dấu hiệu của chứng khó ngủ có thể bao gồm việc không thể tập trung trong suốt ngày, đau đầu thường xuyên, cảm giác khó chịu, mệt mỏi vào ban ngày, dậy quá sớm, thức trắng đêm hoặc tốn quá nhiều thời gian để chìm vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể cảm thấy cơ thể không có đủ năng lượng để hoạt động trong cả ngày hoặc mắt có quầng thâm rõ rệt.

Nguyên nhân gây chứng khó ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn không ngủ được, bao gồm thói quen ngủ nghỉ không hợp lý, lựa chọn lối sống không phù hợp và một số ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe khác. Một vài tác nhân có thể không nghiêm trọng và có thể cải thiện nếu bạn biết tự chăm sóc bản thân (mà không cần đến sự hỗ trợ y tế).

♣ Ngoài ra, các nguyên nhân gây mất ngủ khác có thể bao gồm yếu tố tuổi tác, não bộ nhận kích thích quá nhiều trước khi ngủ (như xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử, tập thể dục quá mức…), hấp thụ quá nhiều caffeine, bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn, không gian ngủ gây khó chịu.

♣ Tình trạng ngủ quá nhiều trong ngày, thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tiểu tiện thường xuyên, đau nhức cơ thể, mệt mỏi do lệch múi giờ sau khi bay và việc sử dụng một số loại thuốc kê toa cũng có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ.

♣ Chứng mất ngủ cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Thông thường thì trẻ sơ sinh có xu hướng thức dậy nhiều lần trong đêm. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ chấm dứt tình trạng này sau khi đã được 6 tháng tuổi. Nếu con bạn qua độ tuổi này mà vẫn gặp tình trạng khó ngủ, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang mọc răng, bị bệnh, đói bụng hoặc gặp phải các vấn đề đường ruột như đầy hơi hoặc khó tiêu.

Rối loạn giấc ngủ là gì?

♦ Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng chỉ sự tắc nghẽn ở đường thở trên. Chứng rối loạn này sẽ dẫn đến việc ngừng thở trong suốt đêm và khiến bạn đột ngột tỉnh giấc (do ngạt thở).

♦ Hội chứng chân không yên cũng có thể gây ra tình trạng khó ngủ. Hội chứng này khiến chân bạn cảm thấy không thoải mái – ví dụ như cảm giác ngứa ran hoặc đau nhức. Điều này khiến cho bạn muốn cử động chân thường xuyên trong lúc đang ngủ, dẫn đến sự gián đoạn giấc ngủ.

♦ Chứng rối loạn giấc ngủ đến muộn là một tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tình trạng này khiến cho chu kỳ giấc ngủ 24 giờ của bạn bị chậm lại (bạn cần nằm nhiều giờ để có thể ngủ được), đồng thời khiến bạn tỉnh táo và không cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm. Chu kỳ ngủ muộn này sẽ khiến bạn khó thức dậy sớm vào buổi sáng, gây ra cảm giác mệt mỏi vào ban ngày.

Các phương pháp điều trị chứng khó ngủ

Biện pháp điều trị chứng mất ngủ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

♥ Trong một số trường hợp, những biện pháp điều trị tại nhà hoặc đơn giản là thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bạn nên tránh uống cà phê và rượu ít nhất 8 tiếng trước khi ngủ. Đồng thời, bạn nên hạn chế thời gian ngủ vào ban ngày (chỉ nên ngủ trưa 30 phút). Ngoài ra, hãy điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp và không nên để đèn ngủ quá sáng.

♥ Bạn cần tránh tham gia các hoạt động kích thích não bộ trước khi ngủ. Bạn cũng nên nghe những bài nhạc có giai điệu nhẹ nhàng và tắm nước nóng để bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn. Hãy lưu ý tạo cho mình một thời gian biểu ngủ nghỉ đầy đủ và hợp lý.

Nếu chứng mất ngủ của bạn là do một tình trạng sức khỏe hoặc một chứng rối loạn giấc ngủ gây ra, bạn sẽ cần điều trị các tác nhân này.

♥ Ví dụ, bạn khó ngủ do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm để giúp bạn đỡ lo âu, giảm căng thẳng và cảm thấy khá hơn.

Các biến chứng liên quan đến chứng rối loạn giấc ngủ

Nếu không được điều trị, các vấn đề về giấc ngủ mãn tính có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bạn. Khả năng phản ứng khi lái xe của bạn có thể giảm đi độ nhạy bén, đồng nghĩa việc làm tăng nguy cơ gây tai nạn. Chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể khiến năng suất làm việc hay học tập của bạn bị suy giảm. Ngoài ra, chứng mất ngủ cũng có thể khiến hệ miễn dịch trở nên suy yếu, dẫn đến cảm lạnh và các bệnh khác.

Hãy biến giấc ngủ thành một quãng thời gian thật thư giãn và thoải mái chứ không phải lúc mà bạn phải trằn trọc để đi vào giấc ngủ nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tác hại không ngờ của việc thiếu ngủ mỗi đêm trong thời gian dài
  • Bí kíp giảm cân an toàn
  • Hãy hít thở để giải tỏa căng thẳng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!