Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra bệnh gì?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/06/2024

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh như cao huyết áp hay tiểu đường. Thậm chí, nó có thể khiến bạn gặp nguy hiểm khi đang lái xe.

Ngáy có thể khiến bạn và cả bạn cùng giường ngủ không trọn giấc. Nhưng nếu như nguyên nhân dẫn đến tiếng ồn này là do bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) thì có lẽ sức khỏe của bạn đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng hơn. Chứng bệnh này có thể dẫn đến các bệnh khác như bệnh cao huyết áp hay bệnh tiểu đường. Thậm chí, nó có thể khiến bạn gặp nguy hiểm khi đang lái xe. Tuy nhiên, bạn có thể giảm hoặc thậm chí chữa lành các triệu chứng của OSA. Dưới đây là 7 vấn đề sức khỏe mà bạn có thể đối mặt nếu như bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Tăng huyết áp

Nếu bạn vốn đã có huyết áp cao, chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến tình trạng tệ hơn. Khi bạn thường xuyên thức giấc vào giữa đêm, cơ thể của bạn sẽ trở nên căng thẳng. Điều đó khiến cho hệ hormone hoạt động quá sức và gây nên tình trạng cao huyết áp. Ngoài ra, lượng ô-xy trong máu sẽ giảm khi bạn khó thở và điều này càng khiến tình trạng tệ hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn. Một số người huyết áp cao sau khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ thấy huyết áp giảm đi. Các bác sĩ cũng sẽ giảm đơn thuốc cao huyết áp cho bệnh nhân sau khi liệu pháp OSA kết thúc. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý cắt giảm đơn thuốc hay ngưng uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Bệnh tim mạch

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ đau tim nhiều hơn. Nguyên nhân có thể do sự thiếu hụt khí ô-xy hoặc căng thẳng khi phải tỉnh giấc nhiều lần. Đột quỵ và chứng rung nhĩ – triệu chứng tim đập nhanh và rung – cũng có thể liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn sự hấp thụ khí ô-xy, khiến não bộ khó có thể điều khiển dòng chảy của máu trong động mạch và ngay trong não.

Bệnh tiểu đường loại 2

 Chứng ngưng thở khi ngủ là dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2. Có đến hơn 80% những người mắc bệnh tiểu đường đang chịu đựng cả chứng bệnh này.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc cả hai loại bệnh này. Mặc dù các nghiên cứu chưa thể tìm ra nguyên nhân và tác hại giữa chứng ngưng thở và bệnh tiểu đường loại 2, việc không ngủ đủ giấc có thể ngăn cơ thể sử dụng insulin đúng cách và là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường.

Tăng cân

Dư cân làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ và ngược lại, chứng bệnh này khiến bạn khó có thể lấy lại vóc dáng thanh mảnh ban đầu.

Khi bạn bị thừa cân, ở cổ sẽ xuất hiện mỡ thừa khiến cản trở việc hít thở vào ban đêm. Ngược lại, chứng ngưng thở có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone ghrelin hơn, là nguyên nhân khiến bạn thèm ăn tinh bột và đồ ngọt. Ngoài ra, khi mệt mỏi, bạn không thể biến thức ăn thành năng lượng một cách hiệu quả, từ đó khiến cơ thể ngày càng dư thừa cân nặng.

Bệnh hen suyễn ở người lớn

Khoa học chưa thể chứng minh mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ với bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, những người đã áp dụng các phương pháp điều trị chứng bệnh này thừa nhận, họ ít phải trải qua các cơn ho hen hơn so với trước đây.

Trào ngược axit

Hiện chưa có bằng chứng về việc chứng ngưng thở có thể khiến bạn ợ nóng nhưng nhiều người đã phải chịu đựng vấn đề này. Các bác sĩ nói rằng để hạn chế tình trạng này, bạn cần điều trị các triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ.

Tai nạn xe cộ

Khi cảm thấy chếnh choáng, bạn sẽ dễ dàng rơi vào giấc ngủ trong khi điều khiển xe cộ. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao hơn 5 lần so với người bình thường.

Phương pháp điều trị cho chứng ngưng thở khi ngủ

Hiện nay có rất nhiều cách giúp bạn điều trị hiệu quả chứng ngưng thở khi ngủ. Các bác sĩ sẽ khuyên bạn sử dụng một loại máy có tên CPAP hay còn gọi là máy áp lực dương liên tục. Loại máy này bao gồm mặt nạ được gắn với một cái vòi giúp cho bệnh nhân thở dễ dàng hơn và nghỉ ngơi thực sự vào ban đêm. Khi mới sử dụng, bạn có thể sẽ cảm thấy không quen nhưng một khi đã quen, bạn sẽ ngủ ngon hơn và sống khỏe hơn.

Một vài cách điều trị khác như các thiết bị hỗ trợ miệng, chất kích thích thần kinh giữ cho đường hô hấp mở hay các ca phẫu thuật cũng sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn vào ban đêm. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn để chọn ra được phương pháp thích hợp với bản thân cũng như tránh các vấn đề sức khỏe khác.

Chứng ngưng thở khi ngủ không chỉ khiến chất lượng cuộc sống của bạn giảm sút mà còn là tiền đề cho nhiều bệnh nghiêm trọng khác. Bạn nên đến gặp bác sĩ sớm và điều trị dứt điểm bệnh để có thể sống thật khỏe mạnh và thoải mái.

  • Ngưng thở khi ngủ liệu có liên quan với đột quỵ?
  • 7 lời đồn sai lạc về chứng ngưng thở khi ngủ
  • Rối loạn giấc ngủ có thể gây đột quỵ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!