Còn nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai

Thời sự - 04/29/2024

Theo dự báo, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai (PTTT) nhất là các PTTT hiện đại ngày càng cao và đa dạng.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải thiện sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) và tăng cường sử dụng các PTTT hiện đại. Theo đó, số người sử dụng các PTTT tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo các PTTT an toàn, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ cũng như việc sử dụng các PTTT của người dân còn khá lớn. Theo điều tra đánh giá về các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2014, cứ 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu KHHGĐ.

Trong đó, miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có nhu cầu về PTTT chưa được đáp ứng cao nhất trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, những người từ 15-24 tuổi thuộc nhóm có nhu cầu chưa được đáp ứng cao nhất.

Còn nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ cũng như việc sử dụng các phương tiện tránh thai của người dân còn khá lớn. Ảnh minh họa

Điều tra cũng chỉ ra rằng, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ tăng cao ở các nhóm dân tộc ít người. Mặt khác, điều này có xu hướng giảm xuống tại những nơi có mức sống cao.

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, việc cung ứng các PTTT ở nước ta hiện nay mới chỉ tập trung hỗ trợ nhóm phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 có chồng mà chưa chú trọng đúng mức về sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ 15-49 tuổi nói chung (có thể chưa chồng), của vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) và của nhóm người di cư.

Theo ông Mai Trung Sơn, các PTTT chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai. Các PTTT khác (thuốc tiêm, que cấy tránh thai) còn ít làm giảm cơ hội lựa chọn cho người sử dụng. Trong khi đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng các PTTT nhất là các PTTT hiện đại ngày càng cao và đa dạng.

Hơn nữa, thực trạng tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn trước kia, đồng thời tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có chiều hướng gia tăng. Do đó, việc thiếu hụt nguồn PTTT sẽ gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như: Tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, vô sinh thứ phát và tử vong bà mẹ, trẻ em liên quan đến việc mang thai.

Cũng theo ông Mai Trung Sơn, mặc dù được Chính phủ quan tâm cùng sự nỗ lực của ngành Dân số, nhưng thời điểm hiện tại, vẫn xảy ra tình trạng thiếu PTTT đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước cho chương trình DS-KHHGĐ và PTTT ngày càng giảm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân lại tiếp tục tăng, đặc biệt là các PTTT ngắn hạn như bao cao su, viên uống tránh thai.

Bên cạnh đó, chúng ta đang gặp phải một số vướng mắc trong các văn bản, chính sách quy định về PTTT cũng như việc nhập khẩu, phân phối nguồn PTTT trên thị trường. Trong khi hiện nay, thị trường PTTT tư nhân đang nở rộ, việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại này (nhất là bao cao su, viên uống tránh thai) gặp rất nhiều hạn chế và bất cập.

Ở một góc độ khác, trên thực tế, tâm lý quen dùng hàng miễn phí, bao cấp của Nhà nước và 'ngại' dùng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng khiến việc sử dụng các PTTT bị hạn chế.

Hơn nữa, công tác tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tuyến huyện đến cơ sở trong thời gian qua có nhiều biến động, xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cán bộ dân số cũng như đội ngũ CTV trong công tác chuyên môn, nhất là việc tuyên truyền, quảng bá và tư vấn các PTTT, dịch vụ KHHGĐ đến với người dân.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), nếu thiếu 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) trong việc hỗ trợ PTTT sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.

Do đó, việc đảm bảo an ninh PTTT là điều vô cùng quan trọng, không chỉ giúp phòng tránh thai ngoài ý muốn mà còn góp phần giảm nạo phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV.

Bên cạnh đó, an ninh PTTT đảm bảo cho mọi khách hàng, không phân biệt tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, vị thế xã hội, điều kiện kinh tế và điều kiện sống đều có thể tiếp cận, lựa chọn, sử dụng PTTT đảm bảo chất lượng khi họ có nhu cầu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!