Cực kỳ nguy hiểm nếu nam giới bỏ qua các xét nghiệm này

Sống Khỏe - 12/22/2024

Hello Bacsi - Đậy là những loại bệnh cực kỳ nguy hiểm và dễ gặp ở nam giới. Bạn nên có kế hoạch xét nghiệm kịp thời để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất

Ông bà ta thường có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” không bao giờ là sai cả. Tầm soát bệnh đúng thời điểm trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên là rất quan trọng và có thể đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh. Bác sĩ sẽ dựa trên độ tuổi và nguy cơ bị bệnh mà đưa ra những xét nghiệm phù hợp khác nhau. Sau đây Hello Bacsi sẽ giới thiệu một số xét nghiệm dành cho nam giới để có thể phòng bệnh hiệu quả nhất.

Xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau ung thư da. Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển rất chậm nhưng cũng có ngoại lệ khi có một số loại có thể phát triển rất nhanh. Bác sĩ có thể tìm ra bệnh sớm trước cả khi triệu chứng xuất hiện và đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời.

Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm thăm khám trực tràng (DRE) và có thể là xét nghiệm máu tìm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt.

Nam giới nên nói chuyện với bác sĩ về xét nghiệm tiền liệt tuyến khi:

–          Từ 50 tuổi trở lên đối với nam giới nguy cơ thấp

–          Nam giới từ 45 tuổi trở lên nên xét nghiệm nếu có nguy cơ cao như là người Mỹ gốc Phi.

–          Nếu gia đình có người mắc ung thư tiền liệt tuyến, nên làm xét nghiệm này từ tuổi 40.

Xét nghiệm ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn là loại bệnh rất phổ biến ở nam giới, đây là loại ung thư phát triển ở tuyến sản sinh tinh trùng. Hầu hết các trường hợp bị ung thư tinh hoàn ở độ tuổi từ 20 – 54 tuổi. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo rằng nam giới nên thường xuyên đi khám bác sĩ nếu trong gia đình có người mắc ung thư tinh hoàn, hoặc những người có tinh hoàn ẩn, 1 tinh hoàn thì có nguy cơ cao bị ung thư hơn những người khác. Các bác sĩ cũng khuyên nam giới nên thường xuyên tự  kiểm tra các bất thường ở tinh hoàn, nếu thấy xuất hiện u cục cứng, cảm thấy nặng, tức hoặc đau ở khu vực bìu, hoặc tinh hoàn thay đổi hình dạng kích thước bất thường nên đi khám ngay.

Xét nghiệm ung thư đại trực tràng

 Đây là ung thư gây tử vong nhiều thứ hai đối với nam giới và đàn ông có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn phụ nữ. Đa số các bệnh ung thư đại trực tràng thường phát triển chậm, do sự phát triển bất thường của các polyp ở đại tràng: chúng sẽ tăng trưởng trên bề mặt bên trong của ruột. Và sau khi ung thư bắt đầu phát triển, nó sẽ xâm nhập, hoặc lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Cách để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng là tìm và loại bỏ các polyp ở khu vực đại trực tràng từ khi mới xuất hiện trước khi chúng phát triển thành ung thư.

Nam giới nên khám đại trực tràng từ 50 tuổi. Nội soi đại trực tràng là một phương pháp đơn giản, nhưng hiệu quả trong việc phát hiện sớm các polyp hoặc ung thư đại trực tràng. Bác sĩ sẽ sử dụng một cái ống và một máy ảnh để soi rõ cả trực tràng và polyp có thể được loại bỏ trong khi đang xét nghiệm. Còn một phương pháp khác đó là soi đại tràng sigma nhằm giúp bác sĩ kiểm tra phần ruột cuối.

Xét nghiệm ung thư da

Ung thư da nguy hiểm nhất là khi bị u ác tính. Nó sẽ bắt đầu phát triển trong các tế bào hắc tố sản sinh ra màu da. Những người đàn ông lớn tuổi dễ có nguy cơ mắc phải u này gấp hai lần so với phụ nữ cùng độ tuổi. Tỷ lệ phụ nữ xuất hiện các đám sắc tố da cao, nhưng việc các đám sắc tố này phát triển thành u ác tính ở nam giới lại cao hơn gấp 2-3 lần. Những người hay phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời có nguy cơ cao mắc ung thư da. Khi xuất hiện những đám da đổi màu hay các bất thường của nốt ruồi, người bệnh cần đến các cơ sở y tế.

Hiệp hội Ung thư và Viện Da liễu Mỹ khuyên nam giới nên thường xuyên tự kiểm tra để thấy bất kỳ thay đổi hay dấu hiệu nào trên làn da cũng như bất thường về hình dạng, màu sắc, kích thước trên da và nên tìm gặp các chuyên gia da liễu để khám sàng lọc trước. Nếu phát hiện sớm thì khi điều trị ung thư da sẽ rất hiệu quả.

Tầm soát tăng huyết áp

Nguy cơ bị tăng huyết áp sẽ tăng theo từng lứa tuổi và bệnh này cũng có liên quan đến trọng lượng và lối sống của bạn. Bị tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng mà không hề có triệu chứng rõ ràng trước đó như bệnh phình động mạch. Tuy nhiên bệnh tăng huyết áp có thể chữa trị và nhờ đó làm giảm các nguy cơ bị bệnh khác như bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận….  Điều quan trọng là bạn cần phát hiện sớm và gặp bác sĩ để điều trị đúng phác đồ.

 Khi kiểm tra huyết áp sẽ có hai con số, số đầu tiên (tâm thu) là áp suất trong động mạch khi tim đập, còn con số thứ hai (tâm trương) là áp lực giữa các nhịp đập. Huyết áp của bạn bình thường là khi trị số là 120/80mm Hg. Nếu bạn bị tăng huyết áp thì khi trị số huyết áp từ 140/90mm Hg trở lên. Nếu mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần được đi khám và uống thuốc điều trị lâu dài để phòng biến chứng của bệnh.

Xét nghiệm hàm lượng cholesterol

Trong các xét nghiệm thông thường, người ta thường thấy có 2 loại cholesterol, một loại là cholesterol tốt HDL, cholesterol xấu là LDL và triglycerides (mỡ trong máu).  Cholesterol LDL và triglycerides cao vượt mức bình thường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gây ra các mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa mạch, hẹp động mạch trong nhiều năm mà không hề có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào và từ đó có thể dẫn đến bệnh đau tim hay đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế, nam giới từ 20 tuổi nên được khám sàng lọc để kiểm tra lượng cholesterol nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Từ 35 tuổi trở lên nên đi kiểm tra cholesterol thường xuyên.

Tầm soát tiểu đường tuýp 2

Theo thống kê, 1/3 người dân Mỹ mắc bệnh tiểu đường mà không hề biết mình mắc bệnh. Bệnh tiểu đường sẽ trở nên nguy hiểm nếu bệnh nhân không kiểm soát được bệnh của mình và điều đó có thể dẫn đến những biến chứng về tim mạch, bệnh thận, tổn thương mắt, thần kinh hay đột quỵ. Nếu bạn phát hiện bệnh sớm, bạn có thể kiểm soát mức đường huyết của mình bằng cách uống thuốc, phối hợp với chế độ ăn uống, luyện tập sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Xét nghiệm đường huyết rất đơn giản, bạn chỉ cần thử máu lúc đang đói. Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn từ 45 tuổi trở lên nên xét nghiệm đường máu mỗi 3 năm một lần. Và nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bị tiểu đường cao như cholesterol cao, tăng huyết áp thì bạn nên xét nghiệm sớm và thường xuyên hơn.

Tầm soát HIV

Rất nhiều người khi bị nhiễm HIV không hề có triệu chứng gì cho đến vài năm. Và cách duy nhất để biết mình có bị nhiễm HIV hay không thì bạn nên đi xét nghiệm máu liên tục. Xét nghiệm ban đầu sẽ thực hiện bằng phương pháp ELISA hoặc EIA. Nó sẽ tìm những kháng thể chống HIV trong máu và có thể cho thấy kết quả dương tính. Vì vậy bạn cần có buổi xét nghiệm thứ hai thực hiện phương pháp Western blot để xác định chắc chắn lần nữa. Tuy nhiên nếu bạn bị nhiễm bệnh trong thời gian gần, kết quả vẫn có thể là âm tính. Bạn nên đi xét nghiệm lại liện tục để đạt kết quả chính xác nhất. Nếu bạn nghĩ mình đã bị phơi nhiễm HIV, hãy gặp bác sĩ để biết thêm thông tin đi xét nghiệm.

Tầm soát bệnh tăng nhãn áp

Đây là loại bệnh gây tổn hại thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa và quan trọng là người bệnh tăng nhãn áp có thể bị mất thị lực và không thể hồi phục được trước khi nhận ra bất kỳ triệu chứng nào. Do đó cần khám sàng lọc và điều trị ở giai đoạn sớm trước khi thần kinh thị giác bị tổn thương.

Nên đi kiểm tra mắt, nhất là với bệnh nhân bị tăng nhãn áp:

–  Dưới 40 tuổi: Mỗi 2-4 năm

– Từ 40-54 tuổi: Mỗi 1-3 năm

– Từ 55-64 tuổi: Mỗi 1-2 năm

– Từ 65 trở lên: Mỗi 6-12 tháng

Theo các bác sĩ nhãn khoa, người bệnh nên khám sàng lọc thường xuyên hơn nếu bạn nằm trong nhóm người có nguy cơ bị bệnh cao như những người có tiền sử gia đình có người bị tăng nhãn áp, chấn thương mắt, hoặc sử dụng thuốc steroid trị các bệnh về mắt.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Muốn sớm có con, đừng ngại xét nghiệm tinh dịch đồ 
  • Vô sinh ở nam giới do dâu?
  • Phòng bệnh cơ tim cho nam giới

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!