Đặc sản rươi: Ăn ngon mà không 'ngon ăn'

Điều cần biết - 11/28/2024

Tuyệt đối cấm kỵ rươi đối với phụ nữ mang thai, người bị hen suyễn, người mới ốm dậy...

Rươi là món ăn ngon đặc trưng vào dịp cuối thu được nhiều người ưa chuộng bởi sự hấp dẫn riêng biệt và rất giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi ăn rươi đã phải nhập viện vì dị ứng và bị tiêu chảy cấp, nguy hiểm đến tính mạng.

Cứ vào dịp cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch là thời điểm thích hợp cho rươi sinh sôi nảy nở và phát triển. Rươi là một đặc sản hiếm có của miền Bắc, giàu chất dinh dưỡng đặc biệt là chứa nhiều đạm. Rươi thường được người dân chế biến thành nhiều món ăn như rươi kho, rươi nấu măng, rươi rán… nhưng phổ biến và hấp dẫn nhất vẫn là chả rươi. 

Tuy nhiên, nếu như bạn không biết cách lựa chọn, chế biến và sử dụng đặc sản này sẽ rất dễ dẫn đến nhiều nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Thậm chí, nếu không phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

Đặc sản rươi: Ăn ngon mà không 'ngon ăn'

Đặc sản rươi dễ gây dị ứng (Ảnh minh họa: Internet)

Những nguy hại khó lường từ việc ăn rươi

Đạm trong rươi rất dễ gây dị ứng

Rươi là một món ăn chứa nhiều chất đạm. Khi cơ thể hấp thu một lượng đạm nhất định từ rươi như một dị nguyên, ngấm vào ruột, máu gây phản ứng với cơ thể. Bởi lẽ đạm trong rươi khác hoàn toàn với đạm của những thực phẩm thông thường hàng ngày khác như thịt bò, thịt lợn nên rất dễ gây dị ứng.

Biểu hiện khi bị ngộ độc rươi sẽ là môi, lưỡi cảm thấy tê, cảm giác tê bì nhanh chóng lan ra khắp cơ thể. Hoặc nặng hơn sẽ có biểu hiện như nôn mửa, đi ngoài nhiều, nổi mẩn, mắt sưng húp, ngứa toàn thân… Bạn cần đến bệnh viện ngay để cứu chữa kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Ăn rươi dễ bị tiêu chảy cấp

Với đặc thù môi trường sống sâu bên trong bùn đất, vùng đất trũng, nguồn nước thường bị nhiễm bẩn, rươi trở thành đối tượng trung gian truyền nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như: Salmonella, E.Coli... cho cơ thể con người, dễ bị tiêu chảy cấp, rất nguy hiểm.

Hoặc do việc bảo quản rươi quá lâu, không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy.

Có thể gây nên sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Khi bạn tiếp xúc với rươi, trong một thời gian ngắn nếu có triệu chứng: khó thở, buồn nôn, lạnh run toàn thân... thì cần đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Nếu chậm trễ, nguy cơ tử vong là rất cao. 

Những đối tượng nào không nên ăn rươi

Đặc sản rươi: Ăn ngon mà không 'ngon ăn'

Những người mới ốm dậy không nên ăn rươi (Ảnh minh họa: Internet)

Rươi là một món ăn hấp dẫn mà không phải ai cũng có thể thưởng thức được. Nếu bạn thuộc một trong những đối tượng sau đây, tuyệt đối không được thử món ăn này dù chỉ 1 lần:

- Những người có tiền sử dị ứng với hải sản (tôm, cua, mực...), nhộng… thì tốt nhất bạn không nên mạo hiểm thử món ăn này. 

- Những người vừa mới ốm dậy, sức đề kháng kém tuyệt đối không được ăn rươi.

- Phụ nữ mang thai, người bị bệnh hen suyễn, nếu ăn rươi sẽ rất độc.

- Người bụng dạ khó tiêu cũng không nên dùng món ăn này. 

Cách lựa chọn, sơ chế và bảo quản rươi đúng cách

Thực tế thì chúng ta không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của món rươi. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chế biến và thưởng thức món ăn độc đáo, đầy sức hút này nếu như biết lưu ý một số điều cơ bản sau đây: 

- Chọn những con rươi còn tươi, thường nằm ở bên trên, thân to tròn, bò khỏe, có sắc hồng đỏ. Tránh lựa chọn những con ở phía dưới thường là rươi non hoặc sắp chết.

- Ngâm rươi vào nước ấm ở nhiệt độ 45oC, làm sạch lông rươi, loại bỏ chất bẩn, cặn bã.

- Sau đó, rửa rươi lại nhiều lần bằng nước sạch, để ráo và chế biến món ăn theo sở thích của mình.

- Bạn có thể cho rươi đã làm sạch vào hộp nhựa để vào ngăn đá của tủ lạnh dùng dần. Hoặc bạn có thể hấp chín hoặc rán qua, đóng hộp cẩn thận mà không lo bị hỏng, thời gian sử dụng lâu dài. 

>>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vòm họng

Hồng Nam (TH)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!