Đảm bảo công bằng xã hội, sự bền vững của công tác dân số nhờ xã hội hóa

Thời sự - 11/24/2024

Theo các chuyên gia, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ là một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra một nền tảng cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ trong tình hình mới.

Hiện nay, nhu cầu về các phương tiện tránh thai của người dân (cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và lứa tuổi vị thành niên/thanh niên) càng ngày càng gia tăng, trong khi đó, nguồn lực phương tiện tránh thai ngày càng giảm.

Trước năm 2010, hầu hết các phương tiện tránh thai đều do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu bình dân. Sau năm 2010, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế giảm hẳn và hầu như chỉ còn ở một vài dự án nhỏ lẻ.

Điều đó có nghĩa là, chúng ta phải dùng ngân sách Nhà nước để đảm bảo nhu cầu cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân. Vì vậy, đặt ra vấn đề cần làm thế nào để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai cũng như những vấn đề liên quan đến chất lượng phương tiện tránh thai.

Đảm bảo công bằng xã hội, sự bền vững của công tác dân số nhờ xã hội hóa

Cán bộ dân số tại Khánh Hòa giới thiệu các sản phẩm của Đề án 818đến người dân

Trong khi đó, một trong những nhu cầu mà từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm là các phương tiện tránh thai ở trên thị trường. Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta mới chỉ chú trọng đến các đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, còn những đối tượng khác như học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu dùng phương tiện tránh thai thì chúng ta chưa đáp ứng được. Do vậy, thị trường là một trong những kênh đáp ứng tốt việc cung cấp phương tiện tránh thai.

Trên cơ sở đó, ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án 'Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020' (gọi tắt là Đề án 818) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

Theo các chuyên gia, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ là một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra một nền tảng cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ trong tình hình mới.

Việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong công tác DS-KHHGĐ sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Tăng cường vai trò lãnh đạo và điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phương tiện tránh thai, các dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ, thỏa mãn được yêu cầu khắt khe của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ CSSK.

Bên cạnh đó, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực xã hội trong công tác DS-KHHGĐ nhờ huy động và tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đóng góp, quản lý, giám sát các hoạt động cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cơ bản cho mọi người dân trong việc tiếp cận với phương tiện tránh thai, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ có chất lượng cao, phù hợp với khả năng chi trả.

Trong những năm vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai Đề án, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Được triển khai trên địa bàn từ năm 2016, Đề án 818 tại tỉnh Khánh Hòa đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, từ việc không chỉ chủ động tìm cho mình biện pháp tránh thai hiệu quả mà còn thay đổi nhận thức từ nhận miễn phí sang tự chi trả theo hình thức tiếp thị xã hội. Theo đó, tỷ lệ khách hàng mua các phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS theo hình thức tiếp thị xã hội ngày càng tăng lên.

Tương tự, tại Lạng Sơn, Đề án 818 đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ đối với đơn vị quản lý, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần trực tiếp thực hiện các mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế - dân số, bảo đảm tính bền vững của Chương trình DS-KHHGĐ.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của Đề án 818, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!