21 tỉnh có mức sinh thấp, một số tỉnh rất thấp
Mới đây, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Lao động xã hội (TP Hồ Chí Minh) tổ chức buổi Giao lưu – Tọa đàm 'Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp'.
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Thời gian qua, nhằm khống chế tốc độ gia tăng dân số ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phát biểu tại Tọa đàm
'Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, số con trung bình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ giảm nhanh, đạt mức sinh thay thếvào năm 2006 và được duy trì trong hơn 1 thập kỷ qua.
Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% dân số, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước', bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh rất cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.
Các chuyên gia thảo luận về các giải pháp hỗ trợ khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp tại Tọa đàm
Cũng theo bà Ngọc Lan, hiện nay, cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh, mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.
'Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của đất nước…', Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Vì vậy, duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay, góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
Cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp
Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế), ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Để triển khai thực hiện Chương trình này, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,33 con/phụ nữ năm 2019), TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với bài toán làm thế nào để nâng được mức sinh lên, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để đạt mức sinh thay thế.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng và thí điểm một số giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp. Điều này đánh dấu những bước đi đầu tiên trong triển khai thực hiện cuộc vận động 'Nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn; mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt'.
Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số Đặng Quỳnh Thư cho biết, sở dĩ việc khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp rất quan trọng trong bối cảnh nước ta hiện nay, bởi lẽ, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều nước thành công trong việc đưa mức sinh cao xuống thấp, tuy nhiên, chưa có nước nào thành công khi đưa mức sinh thấp lên cao.
Việt Nam đã nhìn thấy trước những vấn đề đó và thực tế đang có xu thế như vậy. Do đó, với các giải pháp can thiệp sớm trong việc hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp, hy vọng chúng ta có thể tránh được vết xe đổ như nhiều nước là để mức sinh xuống quá thấp, không thể đưa trở lại mức sinh thay thế.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, nêu lên thực trạng chênh lệch mức sinh tại nước ta hiện nay, đặc biệt là tình trạng mức sinh thấp tại một số địa phương, từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng này.
Là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,33 con/phụ nữ năm 2019), TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với bài toán làm thế nào để nâng được mức sinh lên, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để đạt mức sinh thay thế.
Ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh cho biết: Trước thực trạng mức sinh thấp, ngành Y tế - Dân số thành phố đã cùng với người dân nhiệt liệt hưởng ứng thông điệp truyền thông vận động 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con'.
Cùng với đó, hiện nay, Sở Y tế đã hoàn tất việc tham mưu, trình UBND thành phố Dự thảo Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình bao gồm tổng thể các giải pháp để giải quyết vấn đề mức sinh thấp của thành phố với chỉ tiêu phấn đấu là tổng tỉ suất sinh của thành phố đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới 2030 là 1,6 con.
Đồng thời, Sở Y tế cũng đang trong quá trình tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách Dân số và Phát triển tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 qua đó quy định một số chính sách cụ thể áp dụng đối với người dân trong đó ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp tại thành phố.
Cũng tại buổi Giao lưu – Tọa đàm, các bạn sinh viên đã được tham dự Phần thi kiến thức tìm hiểu về 'Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp'. Qua hoạt động này, các bạn trẻ đã hiểu hơn về thực trạng mức sinh đang xuống thấp tại một số địa phương cũng như tác động của mức sinh tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, có ý thức sinh đủ 2 con khi lập gia đình về sau, góp phần duy trì mức sinh thay thế và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ở những địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế, thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; có chính sách khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.
Một số biện pháp cần thực hiện như: Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi; hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em... đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...
(Trích Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!