Giám sát người mắc bệnh dại

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những trường hợp bị mắc/chết do bệnh dại cần được tiến hành điều tra và đáp ứng chống dịch theo quy định.

1. Định nghĩa ca bệnh dại ở người

Ca bệnh chẩn đoán trên lâm sàng có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính nổi trội bởi các triệu chứng kích động như: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.

2. Giám sát bệnh nhân bị mắc/chết do bệnh dại

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp với bệnh viện tổ chức giám sát phát hiện những trường hợp bị mắc/chết do bệnh dại trên địa bàn tỉnh, tiến hành điều tra ca bệnh dại và đáp ứng chống dịch (nếu có) theo quy định.

Các đơn vị y tế dự phòng thường xuyên chia sẻ thông tin với các đơn vị thú y để phối hợp theo dõi, giám sát và xử lý ổ dịch dại theo quy định.

Giám sát người mắc bệnh dại

Người bị động vật cắn cần được theo dõi để phòng chống bệnh dại (Ảnh minh họa: Internet)

3. Thu thập, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm ở bệnh nhân

- Loại bệnh phẩm:

+ Máu (5 ml), lấy máu 2 lần, cách nhau 7 ngày.

+ Dịch não tủy (3 - 5 ml)

+ Nước bọt (3-5 ml) trong thời kỳ tăng tiết

+ Mảnh sinh thiết da gáy: mẩu da (3-5mm) ở vị trí chân tóc vùng gáy. Có thể lấy 1 hoặc 2 mẩu sinh thiết da ở 2 vị trí chân tóc khác nhau.

- Bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp với bệnh viện thu thập bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển đi xét nghiệm theo quy định tại thông tư 43/2011/TT-BYT ngày 05/12/2011 quy định về chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!