Hạn chế 5 loại thực phẩm này cho bé

Dinh dưỡng cho Trẻ - 11/24/2024

Hạn chế 5 loại thực phẩm này cho bé Hello Bacsi chia sẻ với bố mẹ giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin cho bé phát triển nhé!

Một chế độ ăn cân bằng và khỏe mạnh sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất cho bé phát triển. Vậy bạn cần hạn chế những loại thực phẩm và thức uống nào khi bé lớn lên? Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm không tốt dành cho bé.

1. Khoai tây chiên và bánh quy

Khoai tây chiên giòn và bánh quy giòn sẽ thay thế vị trí của các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nếu bé ăn quá nhiều các món ăn này.

Cũng như các loại thực phẩm chế biến sẵn khác, khoai tây chiên và bánh quy thường chứa nhiều muối. Trong khi đó, bé chỉ cần dưới 1 g muối (0.4 g natri) mỗi ngày cho đến khi được 12 tháng tuổi do thận của bé không thể tiếp nhận được lượng muối nhiều hơn.

Trước khi được sáu tháng tuổi, bé sẽ được cung cấp đủ lượng muối cần thiết từ sữa mẹ hay sữa bột, vì thế bạn không nhất thiết phải thêm muối vào thức ăn khi bé bắt đầu ăn dặm cho dù bạn tin rằng vị của các món ăn này quá nhạt. Nếu bạn đang nêm thức ăn bằng hạt nêm, hãy lựa chọn loại ít muối khi nấu ăn cho bé.

Những đứa bé mới chập chững tập đi cũng cần rất ít muối. Lượng muối tối đa cho các bé từ 1 đến 3 tuổi được các chuyên gia khuyên dùng là 2 g (0.8 g natri) một ngày. Nếu bé hay ăn khoai tây chiên, bạn chỉ nên cho bé ăn ba hoặc bốn miếng khoai, không cho bé ăn toàn bộ gói.

Thay vì hay loại trên, hãy thay bằng phô mai, trái cây tươi hoặc rau xắt nhỏ là những lựa chọn tốt nếu bé cần được ăn vặt. Bánh gạo và bánh mì kẹp thịt cũng sẽ là những lựa chọn thay thế khá tốt.

2. Thức ăn chế biến sẵn

Thức ăn chế biến sẵn cho người lớn và các bé đã lớn thường có hàm lượng muối và đường cao, do vậy chúng không thích hợp cho trẻ sơ sinh.

Bạn có thể nấu ăn tại nhà thay vì mua thực phẩm chế biến sẵn vì điều này tốt cho sức khỏe của bé và cũng tiết kiệm hơn. Bạn có thể xin ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn lành mạnh cho bé.

Nếu bạn rất bận rộn và không có thời gian để chuẩn bị thức ăn, hãy bảo đảm các thực phẩm chế biến sẵn mà bạn mua phù hợp cho trẻ sơ sinh chứ không phải là các bé lớn. Ngoài ra không nên dùng chung thức ăn chế biến sẵn của bạn với bé.

3. Kẹo và sô-cô-la

Có lẽ bạn sẽ gặp khó khăn để ngăn không cho bé đến gần kẹo và sô-cô-la. Đường trong hai loại thực phẩm này có thể tạo nên axit lên men và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé.

Bạn nên cho bé ăn đồ ngọt vào bữa ăn chính. Khi bé ăn bữa chính, lượng nước bọt trong miệng sẽ tăng lên và giúp trung hòa tác động của axit trong kẹo và sô-cô-la.

Kẹo mềm ít hại cho răng bé hơn so với các loại đồ ngọt như kẹo bơ cứng vì chúng tan ra trong miệng nhanh hơn. Nếu ăn kẹo, hãy khuyến khích bé ăn tất cả các loại kẹo trong một lần. Một lần ăn bốn viên kẹo sô-cô-la trong 10 phút sẽ ít có hại cho răng hơn là để bé ăn một viên trong nửa tiếng hay hai tiếng một lần.

Bạn có thể cho bé ăn một miếng phô mai ngay sau khi ăn đồ ngọt để trung hòa lượng đường trong miệng. Đồng thời bạn hãy đánh răng cho bé thật kỹ sau khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường.

4. Đồ uống có ga

Bé không nên uống nước có ga và nước ngọt. Những thức uống này không tốt cho bé vì tính axit của chúng có thể gây hại cho những chiếc răng đang nhú lên của bé. Ngoài hàm lượng đường cao, một số đồ uống có ga như coca còn chứa caffeine.

Tất cả những gì bé cần uống là sữa và nước lọc. Đồ uống có ga sẽ khiến bé cảm thấy mau no. Nếu bé uống nước có ga khi khát, bé có thể từ chối uống sữa hoặc nước lọc. Ngoài ra, đồ uống có đường sẽ có lượng calo cao và có thể gây thừa cân nếu dùng thường xuyên.

5. Nước trái cây

Nước ép trái cây có vẻ là một lựa chọn lành mạnh, nhưng tốt nhất là bạn không nên cho bé uống loại nước này quá nhiều. Các loại nước ép trái cây thường có nhiều đường tự nhiên và có tính axit có thể gây hại cho răng của bé.

Nước và sữa mẹ hay sữa bột là những thức uống tốt nhất cho bé đến được một tuổi. Qua một tuổi, bé có thể dùng sữa bò nguyên chất làm thức uống chính bởi sữa có chứa các khoáng chất và vitamin quan trọng như canxi, vitamin B2 và vitamin B12.

Khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn hãy pha loãng nước ép trái cây khi cho bé uống. Bạn có thể pha loãng theo tỉ lệ một phần nước trái cây với một phần nước. Để bảo vệ răng bé, bạn nên để nước trái cây pha loãng trong cốc, không nên để trong chai đựng sữa hay dùng trước khi đi ngủ.

Nếu bé đang ăn chay, vitamin C có trong nước trái cây pha loãng sẽ giúp bé dễ hấp thụ chất sắt từ thực phẩm ăn vào. Bạn cũng nên cho bé ăn trái cây hằng ngày để có được lượng chất xơ cần thiết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!