Lý giải tình trạng mất ngủ khi mang thai

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đến khoảng giữa và cuối thai kỳ, đa phần các bà bầu đều khó khăn tìm một giấc ngủ ngon, nguyên nhân là do...

Lo âu và căng thẳng

Những lo lắng về tình trạng phát triển của thai nhi, về tình hình tài chính gia đình, các khó khăn trong công việc hay các mối quan hệ xã hội, quan hệ vợ chồng không như mong muốn... có thể là nguyên nhân gây mất ngủ ở bà bầu.

Tiêu hóa

Cùng với thời gian, thai nhi ngày càng lớn hơn ép vào dạ dày, đẩy thức ăn từ dạ dày trào ngược thực quản. Đồng thời, hệ tiêu hóa trong giai đoạn mang thai cũng hoạt động kém gây chứng khó tiêu, ợ nóng và táo bón.

Mọi việc sẽ càng tệ hơn vào những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi ngày càng lớn tạo lực ép ngày càng tăng cho dạ dày hoặc ruột già. Hơn nữa, việc bổ sung nhiều dưỡng chất trong thời gian mang thai khiến cơ thể không thể hấp thụ hết cộng với những thay đổi hoóc-môn làm bà bầu khó tìm đến giấc ngủ, ngủ không sâu và mất ngủ.

Lý giải tình trạng mất ngủ khi mang thai

Việc bổ sung nhiều dưỡng chất trong thời gian mang thai khiến bà bầu khó tìm được giấc ngủ ngon (Ảnh minh họa: Internet)

Thai nhi ngày một lớn hơn

Em bé ngày một phát triển, bụng bà bầu ngày càng to và khó tìm một tư thế ngủ thích hợp để cảm thấy thư giãn, thoải mái.

Nhịp tim tăng

Nhịp tim của bà bầu sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn tới dạ con. Tim phải làm việc mệt nhọc hơn bình thường rất nhiều.

Hô hấp

Giai đoạn đầu thai kỳ do tác động của hoóc-môn khi mang thai làm hơi thở bà bầu chậm và sâu, cảm giác hít thở khó khăn. Càng về sau càng khó thở hơn khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành khiến cử động của cơ hoành giảm bớt nên thai phụ càng phải thở sâu, thở nhiều hơn để lấy nhiều không khí chứa ôxy.

Điều này làm tăng hơn 40% dung tích thở, nhưng nhu cầu ôxy chỉ tăng 20%, dẫn đến bà bầu thở ra nhiều carbon dioxyde hơn bình thường. Mức carbon dioxyde thấp trong máu làm tăng thở nông khiến bà bầu càng cảm thấy khó chịu hơn, ảnh hưởng đến cả chất lượng nghỉ ngơi và giấc ngủ.

Lý giải tình trạng mất ngủ khi mang thai

Mức carbon dioxyde thấp trong máu làm ảnh hưởng đến chất lượng nghỉ ngơi và giấc ngủ (Ảnh minh họa: Internet)

Tiểu đêm và tăng lượng urê

Thận của bà bầu phải làm việc thêm 30-50% để lọc thêm khối lượng máu trong suốt quá trình mang bầu, kết quả là lượng urê tăng vọt và bàng quang chứa nhiều nước tiểu hơn. Hơn nữa, dạ con ngày một lớn và chèn ép bàng quang khiến bà bầu khó chịu và phải đi tiểu thường xuyên, kể cả ban đêm. Đây là nguyên nhân lớn gây mất ngủ cho bà bầu.

Đau lưng và chuột rút

Cơn chuột rút thường diễn ra đột ngột ở đùi, bắp chân, sau đó là cơn đau tại chỗ chuột rút làm bà bầu phải thức giấc vì đau. Tình trạng này thường diễn ra vào cuối thai kỳ. Hơn nữa, lưng và chân ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé nên thai phụ dễ gặp phải chứng đau vùng lưng, đây là nguyên nhân phá vỡ giấc ngủ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!