Điều này chỉ xảy ra ở số ít ca mang thai. Mặc dù vẫn có rủi ro xảy ra khi mang thai già tháng nhưng hầu hết em bé sinh già tháng đều khỏe mạnh. Bác sĩ có thể làm những xét nghiệm đặc biệt để kiểm tra sức khỏe của em bé đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bé để đảm bảo thai kỳ an toàn.
Vì sao thai lại bị quá ngày?
Rất nhiều phụ nữ mang thai quá 40 tuần nhưng không phải là thai già tháng. Ngày dự sinh của họ chỉ không được tính toán chính xác. Xét cho cùng, ngày dự sinh vẫn chỉ là ước tính.
Ngày dự sinh dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối và kích thước tử cung (dạ con) sớm trong thai kỳ của bạn. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ không nhớ chính xác kỳ kinh cuối của mình, điều này khiến việc xác định ngày dự sinh gặp khó khăn. Ngoài ra, không phải tất cả chu kỳ kinh nguyệt đều có số ngày tương tự.
Thai trên 42 tuần được coi là già tháng
Khi thai kỳ thực sự già tháng và quá 42 tuần, không ai biết chắc nguyên nhân gì dẫn đến điều này.
Tiềm ẩn những nguy cơ
Nếu quá ngày sinh, những rủi ro lớn về sức khỏe có thể xảy ra với mẹ bầu và em bé.
Khi quá ngày dự sinh, nhau thai nối giữa mẹ và bé có thể không làm việc tốt như trước. Điều này có thể làm giảm lượng ôxy và dinh dưỡng mà em bé nhận từ mẹ. Kết quả là, em bé có thể:
- Không phát triển tốt như trước.
- Có dấu hiệu bị stress. Điều này có nghĩa là nhịp tim của bé không đập bình thường.
- Chuyển dạ gặp khó khăn.
Ngoài ra những vấn đề khác có thể xảy ra như:
- Nếu em bé phát triển quá lớn có thể gặp khó khăn khi chui qua âm đạo của mẹ. Lúc này thai phụ có thể cần sinh bằng phương pháp phẫu thuật.
- Lượng nước ối (nước bao quanh thai nhi) có thể giảm. Khi điều này xảy ra, dây rốn có thể bị chèn ép, từ đó hạn chế ôxy và chất dinh dưỡng bé nhận được từ mẹ.
Mang thai già tháng có thể nguy hiểm đến cả mẹ bầu và thai nhi
Bất cứ vấn đề nào trong những vấn đề trên đều có thể làm tăng khả năng phải sinh con bằng phương pháp phẫu thuật (đẻ mổ). Tuy không phổ biến nhưng nguy cơ rất nhỏ là thai bị chết lưu (em bé chưa sinh đã tử vong) vẫn có thể xảy ra khi thai già tháng.
Xử lý tình huống
Nếu bạn mang thai đến 41 tuần (quá hạn 1 tuần), bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để kiểm tra em bé. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm NST (non-stress test) và siêu âm.
- Xét nghiệm có thể cho thấy em bé có khỏe và lượng nước ối có bình thường không. Khi đó, bác sĩ có thể quyết định chờ cho đến khi bạn tự chuyển dạ.
- Nếu xét nghiệm cho thấy em bé có những vấn đề nào đó, mẹ bầu và bác sĩ phải quyết định xem có cần phải kích thích chuyển dạ hay không.
Khi thai được 41 - 42 tuần, những rủi ro cho mẹ và bé trở nên nghiêm trọng hơn. Bác sĩ thường sẽ kích thích cho bạn chuyển dạ. Với những thai phụ lớn tuổi, đặc biệt là trên 40 tuổi, có thể được khuyến khích kích thích chuyển dạ sớm từ 39 tuần.
Kích thích chuyển dạ
Hãy đi khám bác sĩ để đưa ra phương án kịp thời, an toàn cho mẹ và bé
Khi bạn không tự chuyển dạ, bác sĩ sẽ giúp bạn. Kích thích chuyển dạ được thực hiện bằng cách:
- Sử dụng một loại thuốc gọi là oxytocin. Loại thuốc này có thể gây những cơn co và được tiêm qua đường tĩnh mạch.
- Đặt thuốc viên trong âm đạo. Điều này giúp cổ tử cung mềm và bắt đầu chuyển dạ.
- Làm vỡ nước ối (vỡ màng giữ nước ối) có thể được thực hiện với một số trường hợp.
- Đặt một ống thông ở cổ tử cung để giúp nó bắt đầu giãn ra từ từ.
Khi nào thì phải sinh mổ?
Bạn sẽ cần phải sinh bằng phương pháp phẫu thuật nếu:
- Quá trình chuyển dạ của bạn không thể bắt đầu dù bác sĩ đã dùng các thủ thuật trên.
- Nhịp tim thai không bình thường khi chuyển dạ bắt đầu.
- Quá trình chuyển dạ bị gián đoạn.
Như vậy, để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra cho mẹ và bé, khi đã sát ngày dự sinh mà bạn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ cần kịp thời đi khám và phát hiện nguyên nhân. Tuân thủ đúng lịch khám thai định kỳ và theo dõi tích cực vào tuần cuối thai kỳ.
>> Xem thêm: Trường hợp bà bầu không nên sinh thường
Ảnh minh họa: Internet
Văn Cường
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!