Mất ngủ, nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên luôn cảm thấy mệt mỏi (P1)

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Trên thực tế, các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ cho biết trẻ vị thành niên ngày nay có xu hướng ngủ ít hơn trước.

Trên thực tế, các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ cho biết trẻ vị thành niên ngày nay có xu hướng mất ngủ cao hơn trước. Đây là điều đáng lo ngại vì mất ngủ sẽ dẫn đến các nguy cơ gây tai nạn xe cộ cao, thừa cân, cũng như khả năng mắc các bệnh tim mạch.

Ai cũng từng trải qua thời niên thiếu đầy các cung bậc cảm xúc mà thậm chí bản thân chúng ta cũng chẳng hiểu vì sao, thậm chí khiến bạn mất ngủ. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải trong người khi trải qua vài thời điểm trong những năm tháng ấy chưa? Hay khi bạn quan sát những thanh thiếu niên hiện nay, khi tới trường học, khi tham gia các hoạt động, thậm chí ngay cả trong các bữa ăn, chúng đều ủ rũ, thiếu sức sống. Vậy nguyên nhân do đâu? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp bạn nhé!

Những thay đổi về mặt sinh lý, áp lực xã hội và các yếu tố bên ngoài như điện thoại di động và các tiện ích hấp dẫn khác trong phòng ngủ cũng là nhân tố khiến trẻ thức khuya và dẫn đến những thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc.

Mất ngủ cũng ảnh hưởng đến khả năng học tập của thanh thiếu niên. Mất ngủ khiến đầu óc mộng mị, đờ đẫn và quá mệt mỏi dẫn đến không đủ tỉnh táo để tập trung vào các bài giảng trong lớp. Nhất là vào các kỳ thi đòi hỏi sự tỉnh táo và sự tập trung cao độ thì các bạn trẻ này lại cảm thấy buồn ngủ dẫn đến không thể làm hết khả năng của mình.

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ vị thành niên

Chu kỳ giấc ngủ chịu ảnh hưởng của ánh sáng và các hormone trong cơ thể. Về đêm khi trời tối dần, cơ thể sản sinh ra một chất hóa học gọi là melatonin, chất này xuất hiện như một dấu hiệu báo cho đồng hồ sinh học của bạn biết đã đến giờ đi ngủ.

Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là việc xã hội đã thay đổi rất nhiều, sự xuất hiện của ánh sáng nhân tạo đang ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của chúng ta: ánh sáng từ đèn điện trong phòng ngủ, tivi, từ bảng điều khiển trò chơi điện tử, điện thoại, máy tính bảng,… đủ để ức chế cơ chế tiết melatonin tự nhiên trong cơ thể. Thực trạng ngày nay cho thấy đa số trẻ vị thành niên lúc nào cũng dán mắt vào những thiết bị này vào ban đêm, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu thức khuya và không cần phải dậy sớm để đi học vào sáng hôm sau. Nhưng nếu thức dậy sớm để đến trường vào sáng hôm sau đồng nghĩa với việc họ không ngủ đủ một giấc trung bình 8−9 giờ mỗi ngày, kết quả là trẻ sẽ trở nên mệt mỏi và cáu kỉnh vào ngày hôm sau.

Vấn đề liên quan đến giấc ngủ và đồng hồ sinh học của cơ thể

Một bác sĩ nhi khoa, đồng thời là chủ nhiệm Sở Rối loạn giấc nhủ trẻ em Evelina và Bệnh viện St Thomas ở London, cho biết việc ngủ bù vào ngày cuối tuần không phải là điều lý tưởng. Thức khuya và ngủ nướng trong một thời gian dài sẽ hủy hoại đồng hồ sinh học của cơ thể bạn. Đối với một số người, đồng hồ sinh học của họ có thể sẽ hơi khác biệt so với những người khác. Đây chính là lý do khiến họ không thể ngủ sớm được. Tình trạng này gọi là hội chứng giấc ngủ đến trễ. Nó tương tự như hội chứng mệt mỏi sau chuyến bay xa và nó là sự rối loạn trong cơ chế điều chỉnh thời gian của cơ thể.

Ngủ sai giờ sinh học có thể khiến bạn ngủ không sâu, ngủ ít hơn hoặc thời gian ngủ kéo dài hơn. Từ đó dẫn đến cơ thể bị thiếu năng lượng, cơ bắp không được thư giãn. Không chỉ thế, nó còn khiến máu chậm lưu thông, gây ra tình trạng mệt mỏi, cơ thể ê ẩm, khó chịu, chân tay đau nhức…

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Mất ngủ có phải là nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp?
  • Thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến não bộ của bạn?
  • Làm gì khi con bạn bị mắc chứng mất ngủ?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!