Mẹ bầu thèm ăn hay chán ăn báo hiệu điều gì?

Chuẩn bị mang thai - 11/24/2024

Hello Bacsi - Bài viết chia sẻ về tình trạng mẹ bầu thèm ăn hay chán ăn, những ảnh hưởng của rối loạn ăn uống đến thai nhi và mẹ bầu.

Rối loạn ăn uống khiến bạn có cái nhìn phi thực tế về trọng lượng và hình dáng cơ thể của mình. Những lo ngại về việc thừa cân khiến người bị rối loạn ăn uống có những thay đổi quyết liệt trong thói quen ăn uống nhưng vẫn cảm thấy như thế là bình thường. Vì vậy, điều này đặc biệt nguy hiểm với thai phụ vì ý nghĩ về việc tăng cân trong quá trình mang thai có thể khiến họ lo lắng và thậm chí là sợ hãi mặc dù chuyện này là điều tự nhiên và hoàn toàn bình thường.

Làm thế nào để biết mình bị chán ăn hoặc thèm ăn?

Hai trong số các loại rối loạn ăn uống phổ biến nhất là chứng chán ăn và chứng háu ăn. Rối loạn ăn uống có thể mất một thời gian dài để thành hình và nguyên nhân gây ra cũng rất phức tạp. Việc bạn phớt lờ nó thường làm cho tình trạng tệ hơn.

Có vài đặc điểm có vẻ như khiến bạn dễ bị rối loạn ăn uống hơn so với người khác, ví dụ như bạn cảm thấy việc kiểm soát ăn uống là cách duy nhất để bạn kiểm soát cuộc sống của mình. Bạn càng cố gắng kiểm soát theo cách này thì lại càng thấy mình lúc nào cũng suy nghĩ về thức ăn. Ngoài ra, bạn quan tâm đến việc đi chợ và nấu ăn cho người khác nhưng lại né tránh bữa ăn của mình. Bạn cảm thấy có những cảm xúc mạnh mẽ về thói quen ăn uống và trọng lượng của bản thân.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp và những triệu chứng dưới đây là những dấu hiệu thường gặp của chứng chán ăn:

  • Cảm thấy sợ hãi khi bị thừa cân ngay cả khi người khác nói bạn gầy;
  • Hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn và loại thực phẩm bạn ăn. Thậm chí, bạn còn có một danh sách các loại thực phẩm cấm kị;
  • Chăm tập thể dục một cách cực đoan để đốt cháy calo. Bạn có thể cố che giấu việc luyện tập với người khác vì sợ họ sẽ ngăn bạn lại;
  • Dùng thuốc giàm cân để kiềm chế cơn thèm ăn;
  • Dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc viên nước để giảm trọng lượng cơ thể;
  • Bị mất kinh nguyệt trước khi mang thai.

Hầu hết các triệu chứng trên cũng gặp ở những người mắc chứng háu ăn nhưng có một số khác biệt. Thay vì hạn chế lượng calo thì bạn lại ăn vô độ. Bạn sẽ ăn một lượng lớn thức ăn ngay cả khi không đói và thường giấu không cho ai biết. Những người ăn vô độ thường bị nôn mửa hoặc dùng thuốc nhuận tràng.

Rối loạn ăn uống (chán ăn/thèm ăn) ảnh hưởng đến mẹ bầu thế nào?

Việc mang thai có thể ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với thức ăn nên bạn có thể yên tâm hơn nếu nhận ra đôi khi mình quá nhạy cảm trong việc ăn uống. Việc bạn không chịu được một số loại thực phẩm vì thai nghén trong khi lại thèm một số món nhất định là hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, bạn cũng đừng lo lắng nếu thấy mình chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm.

Thông thường, tình trạng rối loạn trong ăn uống sẽ được cải thiện khi bạn gần đến ngày sinh nhưng lại có thể trở nên trầm trọng sau sinh.

Nếu bị rối loạn ăn uống khi đang mang thai, bạn có thể gặp phải:

  • Các vấn đề về da;
  • Bệnh sâu răng và nướu;
  • Tổn hại đến hệ tiêu hóa;
  • Tiểu đường thai kỳ;
  • Nhịp tim bất thường và đau tim;
  • Xương yếu;
  • Khả năng bị sẩy thai.

Rối loạn ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Mẹ bầu có thể thấy dễ dàng chữa chứng rối loạn ăn uống vì bạn muốn làm những gì tốt nhất cho con, đặc biệt khi bạn hiểu những  vấn đề có thể xảy ra trong thai kỳ nếu triệu chứng này vẫn còn tiếp diễn.

Nếu chỉ số BMI trong quá trình mang thai của bạn quá thấp, có nhiều khả năng em bé sinh ra sẽ nhẹ cân. Điều này càng dễ xảy ra nếu bạn có hút thuốc. Trẻ sơ sinh nhẹ cân thường cần phải được chăm sóc đặc biệt và việc phát triển trí não của bé cũng có thể bị ảnh hưởng.

Rối loạn ăn uống sẽ ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ sau sinh?

Nếu bị rối loạn ăn uống, bạn sẽ phải tiếp tục cố gắng để vượt qua triệu chứng này sau khi sinh vì số cân nặng mình đã tăng thêm.

Bạn cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh. Các dấu hiệu sẽ rất khác nhau, ví dụ như cảm thấy tuyệt vọng kéo dài, tội lỗi và cô lập. Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng vài tuần hoặc vài tháng sau khi sinh em bé. Bạn sẽ cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ bác sĩ để vượt qua. Nếu nghĩ mình bị trầm cảm sau sinh, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay.

Mẹ có thể cho con bú nếu bị rối loạn ăn uống không?

Cho con bú là sự lựa chọn lành mạnh cho cả mẹ và bé. Các bác sĩ có thể giúp bạn cho con bú và giữ cho bản thân bạn luôn khỏe. Một số phụ nữ bị rối loạn ăn uống sẽ cảm thấy khó chịu khi vú bị căng tức. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì ngực của bạn có thể trở lại kích thước ban đầu sau khi cai sữa cho bé.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về:

  • Giúp mẹ vượt qua trầm cảm sau sinh
  • Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!