Muốn sáng tạo hơn? Hãy ngủ đủ giấc!

Sống Khỏe - 11/24/2024

Nghiên cứu mới nhất đã cho thấy tác động tích cực của việc ngủ đủ giấc trên óc sáng tạo của con người. Vậy bạn có muốn sáng tạo hơn?

Mỗi khi cần giải quyết vấn đề nào đó, việc ngủ đủ giấc sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp bạn làm tốt công việc.

Trường hợp của Kate Miller, người tạo ra khái niệm đồ chơi khoa học giáo dục và chủ sở hữu của Charlie’s Playhouse là một minh họa rõ nét. Miller đã phải vật lộn với rắc rối của mình khi thiết kế loại đồ chơi có thể dạy cho những đứa trẻ về sự chọn lọc tự nhiên nhưng vẫn có thể chạy nhảy vui vẻ. Nhưng rồi một buổi sáng, câu trả lời đó bỗng chốc nảy ra trong đầu Miller sau khi cô tỉnh giấc. Chính giấc ngủ đã giúp những ý tưởng ập đến.

Mối quan hệ giữa giấc ngủ và óc sáng tạo

Người nghệ sĩ có một trực giác rất nhạy bén về sợi dây liên kết giữa sự sáng tạo và giấc ngủ, trong khi các nhà khoa học từng nghĩ rằng giấc ngủ đơn giản chỉ giúp cơ thể, tinh thần được nghỉ ngơi và thư giãn. Tuy nhiên, hiện tại, họ đã bắt đầu lưu ý đến sự liên kết này: giấc ngủ là điều cần thiết cho cả học tập lẫn sáng tạo. Bằng chứng cho thấy giấc ngủ, đặc biệt là trạng thái chuyển động mắt nhanh (REM) liên quan mật thiết đến những giấc mơ, giúp sắp xếp và liên kết những điều chúng ta biết hay những kinh nghiệm mà chúng ta có theo những cách đầy mới lạ.

Giấc ngủ thúc đẩy sự sáng tạo như thế nào?

Sự sáng tạo là khả năng kết nối những ý tưởng rời rạc trở nên hữu ích và mới lạ. Các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ REM có thể nâng cao khả năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo thông qua việc trợ giúp não bộ kết nối những ý tưởng có vẻ như không có sự liên kết lại với nhau.

Vào ban ngày, phần não bộ mang tên “hồi hải mã” (hippocampus) thu nhận thông tin và lưu giữ chúng trong trí nhớ. Nó biết được lý do tại sao con người lại học tập và tiếp thu kinh nghiệm. Ví dụ, hồi hải mã sẽ nhận ra bạn cần đến tòa nhà có chữ thập màu đỏ nếu muốn đến phòng khám của bác sĩ.

Trong suốt giấc ngủ REM, hồi hải mã ngừng hoạt động và cho phép thông tin đã được lưu trữ di chuyển đến vỏ não, nơi chứa tất cả các kinh nghiệm mà bạn đã có. Khi một thông tin hay kinh nghiệm đến được vỏ não, nó có thể liên kết với mọi hồi ức khác có ở khu vực này. Đó cũng chính là nơi sự sáng tạo diễn ra. Ví dụ như vỏ não sẽ kết nối những sắc thái của màu đỏ với nhu cầu tạo ra màu sắc của một món đồ chơi. Việc kích hoạt não sẽ khiến những sự kết nối này trở thành chìa khóa cho sự sáng tạo. Những ý tưởng mới dường như sẽ xuất hiện bất chợt, nhưng thực chất chúng lại là kết quả của một quá trình đã diễn ra trong nhiều ngày.

Bí quyết để phát triển óc sáng tạo bằng giấc ngủ

Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn tận dụng giấc ngủ để phát triển óc sáng tạo của mình:

  • Chuẩn bị sẵn sàng chào đón nguồn cảm hứng: Trước khi đi ngủ, bạn hãy ghi lại những ý tưởng hay vấn đề còn dang dở chưa được giải quyết. Qua sáng ngày mai, ngay khi vừa tỉnh giấc, bạn chỉ cần ghi chú lại những ý tưởng mới vừa nảy ra trong đầu;
  • Đầu tư cho giấc ngủ: Nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ, hãy đeo mặt nạ ngủ và dùng nút tai để có một giấc ngủ trọn vẹn;
  • Ngủ những giấc ngắn: Việc này cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc tích hợp các kí ức mà bạn có. Tuy nhiên, một giấc ngủ hiệu quả thường kéo dài từ 60-90 phút, vì vậy hãy chắc rằng bạn ngủ đủ lâu để có thể đi vào giai đoạn REM. Bên cạnh đó, hãy chọn thời điểm và đặt chuông báo thức hợp lý để tránh không bị khó ngủ vào ban đêm. Các chuyên gia cho biết óc sáng tạo sẽ lên đến đỉnh điểm khi trạng thái của bạn đang cân bằng giữa giấc ngủ REM và các bước sóng chậm.

Không chỉ giúp cơ thể và tinh thần được thư giãn, giấc ngủ còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của óc sáng tạo. Vì vậy, bạn nên ngủ đủ giấc để luôn đầy ắp ý tưởng cho một ngày mới nhé.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Giải mã 5 hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong giấc ngủ
  • Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra bệnh gì?
  • Thử 6 mẹo sau nếu bạn đang cần giấc ngủ ngon

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!