Nắng nóng trên 40 độ C, người bệnh choáng váng rền than

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Số liệu quan trắc lúc 13h ngày 2.6 cho thấy, một số khu vực nội thành Hà Nội nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội cho thấy lượng bệnh nhân đông càng khiến cho bầu không khí vốn đã căng thẳng ở BV trở nên nóng bức, ngột ngạt. Bệnh nhân và người nhà phải oằn mình chống chọi với nắng nóng, bệnh tật.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Số liệu quan trắc lúc 13h ngày 2.6 cho thấy, một số khu vực nội thành Hà Nội nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội cho thấy lượng bệnh nhân đông càng khiến cho bầu không khí vốn đã căng thẳng ở BV trở nên nóng bức, ngột ngạt. Bệnh nhân và người nhà phải oằn mình chống chọi với nắng nóng, bệnh tật.

Người khỏe còn kiệt sức, nữa là bệnh nhân

Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư sáng 2.6, lượng bệnh nhân khá đông. Bên ngoài trời nắng như đổ lửa. Các bậc phụ huynh tìm mọi cách để che chở cho con mình trước cái nắng khủng khiếp. Người dùng quạt, nón, áo chống nắng, người lấy cả bệnh án ra che. Mặt đỏ gay gắt, một ông bố vừa bồng con vừa chạy từ cổng bệnh viện vào đến khoa khám bệnh, anh thốt lên: “Ôi chết mất thôi, nắng thế này thì bệnh nhẹ cũng thành bệnh nặng. Khổ từ người già đến trẻ em”. “Cháu tôi 8 tháng tuổi bị u cơ tim, nằm viện mấy ngày nắng nóng này khổ quá. Bệnh nhân tuy được nằm phòng điều hòa nhưng 2- 3 người thân đi chăm sóc phải vạ vật khắp bệnh viện. Lúc thì chúng tôi trốn trong hành lang bệnh viện, lúc nào đông người quá lại chạy ra gốc cây ngồi, vẫn không thể chống đỡ nổi” - anh Hà Mạnh Hưởng (TP.Hải Phòng, một người nhà bệnh nhân) cho biết.

Chị Hà Thị Duyên (37 tuổi, ở Hà Trung, Thanh Hóa) đưa con đi khám ở BV Nhi T.Ư. 15h có kết quả, con chị may mắn không phải nằm viện nên chị chờ xe đến đón về quê luôn. Hai mẹ con chị ngồi trốn nắng ở gốc cây trong khuôn viên BV. Cháu bé có vẻ đã rất mệt mỏi sau một ngày di chuyển quá nhiều, cháu cứ gục vào vai mẹ. “Con tôi bị đau bụng, 3 rưỡi sáng, hai mẹ con bắt xe khách từ quê lên đây, 6h lên đến Hà Nội. Trời nắng nóng vất vả quá. Đông bệnh nhân nên đến 9h mới khám được, 11h mới chụp được X-quang. Không khí ngột ngạt. Nắng nóng không chịu nổi”.

Nắng nóng trên 40 độ C, người bệnh choáng váng rền than

14h30 tại BV Bạch Mai. Nắng nóng khiến cho tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều cảm thấy “ngạt thở”, họ ngồi chật kín ghế và gốc cây. Gia đình bà P (An Lão, Hải Phòng) đưa người nhà lên khám do bị đau đầu. Đi từ 4h sáng, vượt hơn 100 cây số. Đến 16h, sau khi khám xét, làm đủ các loại chụp chiếu vẫn chưa tìm ra bệnh. Mọi người trong gia đình bà chán nản, mệt mỏi kéo nhau đi tìm nhà trọ đợi chờ đến ngày mai. “Ôi kinh khủng quá, cô ơi. Ngồi vạ vật từ sáng ở dưới gốc cây như thế này, tìm mọi cách để tránh nắng nóng, người khỏe còn kiệt sức nữa là người bệnh” - bà P thốt lên.

Nguy cơ bệnh tật gia tăng

BS Nguyễn Văn Thường - Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Phó GĐ BV Đa khoa Xanh Pôn - cho biết lượng bệnh nhi trong những ngày nắng nóng không tăng nhưng thời tiết khắc nghiệt khiến cho bệnh nhân và người nhà rất vất vả. Bệnh trẻ em thường gặp nhất trong thời tiết này là sốt virus. Hiện khoa Nhi của BV đang điều trị cho 20 bệnh nhi mắc sốt virus. BS Thường khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho con ra ngoài vào những lúc trời nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, tránh bị say nắng - sốc nhiệt. Đặc biệt cần cho trẻ uống đủ nước để cơ thể không bị thiếu nước.

Trả lời PV Báo Lao Động về tình trạng bệnh nhân ngày nắng nóng, BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai - cho biết: Hôm nay là ngày đỉnh điểm của nắng nóng, tuy chưa gặp ca bệnh nhân nào bị sốc nhiệt nhưng đây là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt, rất hay gặp vào những ngày nắng nóng như thế này. Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể của bạn quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 40 độ C hoặc cao hơn. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng người trẻ cũng dễ gặp.

Nắng nóng trên 40 độ C, người bệnh choáng váng rền than

Nắng nóng gay gắt khiến người khỏe mạnh cũng phải kiệt sức.

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. “Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu. Sốc nhiệt không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong” - BS Chính nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt khi nắng nóng. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính hoặc những người uống quá nhiều bia, rượu. Trẻ em, người mắc các bệnh như tim, phổi, cao huyết áp... có nguy cơ dễ sốc nhiệt. Nếu sinh sống ở khu vực đô thị, người trong cuộc có thể dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt khi trời không có gió và chất lượng không khí kém.

Theo BS Lương Quốc Chính, cách phòng sốc nhiệt tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa, nơi râm mát. Nếu phải đi ra ngoài, có thể dự phòng sốc nhiệt bằng mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu; đội một chiếc mũ rộng vành. Sử dụng kem chống nắng, uống nhiều nước để tránh mất nước, mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, thêm nước trái cây, hoặc nước rau luộc... Tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Không uống nước chứa muối khi không có chỉ định của bác sĩ. Cách dễ và an toàn nhất để tăng cường muối và các chất điện giải khác trong đợt nóng là sử dụng đồ uống dành cho vận động viên thể thao và các loại nước trái cây.

Theo Lao Động

Xem thêm:

  • Những điều cần lưu ý khi đi nắng về giữa cái nóng như đổ lửa
  • Những cách phòng ngừa đau đầu do nắng nóng mùa hè

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!