Ngoài 'thừa nam, thiếu nữ', mất cân bằng giới tính khi sinh còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững

Thời sự - 11/24/2024

Có thể nhìn nhận hệ luỵ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với những tác động tới phát triển bền vững đất nước dưới 4 góc độ.

Từ cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 103-107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau, tỷ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 111,5.

Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100.

Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở công bố cuối năm 2019 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục duy trì với tốc độ phát triển thế này, các chuyên gia dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn mà không tìm được bạn đời.

Trong Báo cáo dân số thế giới năm nay đã chỉ ra rằng trung bình mỗi năm Việt Nam đang thiếu hụt 40.800 bé gái. Có nghĩa là có tới 40.800 thai nhi gái không được chào đời.

Ngoài 'thừa nam, thiếu nữ', mất cân bằng giới tính khi sinh còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững

Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở công bố cuối năm 2019 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Ảnh minh hoạ

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng có thể nhìn nhận hệ luỵ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với những tác động tới phát triển bền vững đất nước dưới 4 góc độ.

PGS Ngọc có thời gian dài làm Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cơ quan nghiên cứu các chính sách về dân số và phát triển.

Theo đó, hệ luỵ thứ nhất, khi lựa chọn sinh con trai, có nghĩa là các cặp vợ chồng đã tước đi quyền sống của những bé gái. Trong khi đó, một trong những quyền con người cơ bản – quyền được sống của những thai nhi là gái đã không được đảm bảo.

Đặc biệt, càng lựa chọn giới tính thai nhi là nam thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề. Bất bình đẳng giới nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: người phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, người phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Thứ hai, hệ luỵ đã được truyền thông từ nhiều năm nay: 'thừa nam, thiếu nữ' trong độ tuổi kết hôn

Theo PGS Lưu Bích Ngọc, mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, do vậy phát sinh nhiều hệ lụy. Trước hết, với chế độ hôn nhân 'một vợ, một chồng', nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng lên, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS…

Ngoài 'thừa nam, thiếu nữ', mất cân bằng giới tính khi sinh còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, tính chung trong dân số, nếu số trẻ em trai mà nhiều hơn trẻ em gái, khi bước vào độ tuổi 20 – độ tuổi kết hôn, cơ cấu hôn nhân và gia đình sẽ rất bất hợp lý. Các cụ vẫn nói: 'Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo' với điều kiện số nam và nữ phải tương đương nhau. Nhưng hiện nay, theo dự báo vào những năm tới, với tình trạng mất cân bằng GTKS trong những năm vừa qua, sẽ dẫn tới tình trạng khoảng 60 ngàn nam thanh niên Việt Nam sẽ bị lệch so với số lượng nữ thanh niên.

Đáng lo ngại, hệ lụy mất cân bằng GTKS đã xảy ra tại Trung Quốc, khi vài chục triệu nam thanh niên ở đất nước này không lấy được vợ vì không tìm kiếm được cô dâu. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã phải 'nhập khẩu' cô dâu và phần lớn trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đã trở thành cô dâu ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên. Đây cũng là cảnh báo cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên có thể nhận thấy rõ ràng, đến khi Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt phụ nữ thì chúng ta khó có thể 'nhập khẩu' được cô dâu từ nước láng giềng và sẽ đối mặt với vấn đề này khó khăn hơn nhiều so với các nước khác.

Gia tăng các vụ bạo hành giới

Theo các chuyên gia dân số phân tích, khi kết hôn với người nước ngoài mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu nhau kỹ càng thì hôn nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, thói quen sinh hoạt, quan niệm,… Những điều đó sẽ dẫn đến sự xung đột và đe doạ đến hạnh phúc gia đình, làm gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn.

Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái.

Thực tiễn về các vụ cô dâu Việt Nam bị bạo hành ở nước ngoài làm đau lòng xã hội đã phần nào chứng minh điều đó. Thực tế này còn dẫn đến hệ lụy buôn bán phụ nữ, trẻ em nữ. Các vấn nạn trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và đặc biệt là trẻ em.

Cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, các nguy cơ, tệ nạn xã hội nói trên không hoàn toàn phát sinh từ việc mất cân bằng GTKS nhưng rõ ràng rằng mất cân bằng GTKS là một trong các nguyên nhân và khi chỉ số này tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn nói trên.

Năng suất lao động xã hội bị ảnh hưởng

Nếu nói về kinh tế, khi mất cân bằng về tỷ số giới tính đều kéo theo những hệ lụy kinh tế và xã hội khác. Đã có những nghiên cứu chứng minh được rằng, khi mà lệch lạc về tỷ số cơ cấu giới tính trong dân số nói chung, thì môi trường làm việc cũng dẫn đến năng suất lao động không tăng được.

Mất cân bằng GTKS tại Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội, ngay cả một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc,…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!