Phát hiện sớm và phòng tránh tai nạn khi sinh

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Năm đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ là một thách thức đối với bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào.

Nhưng đối với những gia đình có con bị chấn thương trong quá trình chuyển dạ hay sinh đẻ thì đây lại là khoảng thời gian khó khăn mà bạn không dễ để có thể hình dung được.

Trong quá trình sinh đẻ, những chấn thương mà trẻ có thể gặp phải như: liệt đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, xuất huyết kết mạc, chấn thương thần kinh mặt hay tụ máu não. Một số chấn thương ở mức độ nhẹ, trẻ có thể dần tự hồi phục trong khoảng thời gian từ vài tuần cho đến vài tháng. Nhưng đối với những tổn thương nặng, trẻ cần được can thiệp bằng phẫu thuật mới có khả năng phục hồi.

Tuy nhiên, không phải can thiệp nào cũng mang lại hiệu quả hoàn hảo. Tùy thuộc vào bản chất của chấn thương mà hậu quả có thể khiến trẻ bị khuyết tật về nhận thức, tình cảm hay thể chất trong suốt phần đời còn lại của trẻ.

Phát hiện sớm những bất thường trong thời kỳ mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và con

Phát hiện sớm và phòng tránh tai nạn khi sinh

Thai phụ cần đi khám định kỳ để trẻ sinh ra khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

Để có thể phát hiện sớm những bất thường của thai nhi, phụ nữ mang thai nên đi khám thai đầy đủ, tiếp nhận các chỉ định thăm khám thai tiền sản, ngoài những kiểm tra thường quy như cân đo trọng lượng mẹ và con, đo huyết áp, chiều cao tử cung… và các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, nước tiểu, có thể thai phụ sẽ được chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nếu bác sĩ nhận thấy có dấu hiệu cảnh báo rủi ro ở thai nhi.

Thai phụ cần hiểu biết về các phương pháp giúp phát hiện thai bất thường cũng như một số rủi ro có thể xảy ra ở mỗi phương pháp để bình tĩnh và chủ động hơn khi đối mặt với những chỉ định xét nghiệm quan trọng và cần thiết trong thai kỳ.

Ngoài ra, siêu âm màu có thể chẩn đoán được thai nhi có phát triển bình thường, phù hợp với tuổi thai hay không.

Những gì mà bạn có thể làm để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc khi sinh

Trong suốt quá trình mang thai, bạn nên tìm kiếm những lời khuyên từ bác sĩ về việc chăm sóc trước sinh như nào là tốt nhất. Sau đây là một số lời khuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh:

- Sớm tìm kiếm những dịch vụ chăm sóc trước sinh và bổ sung đầy đủ các vitamin cần thiết.

- Lựa chọn một bác sĩ sản khoa có trình độ mà bạn tin tưởng.

- Thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ về chế độ ăn uống và tập thể dục.

- Hãy hỏi bác sĩ về các loại thực phẩm và đồ uống mà bạn nên tránh. Đồng thời cần kiểm tra kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào.

- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị bệnh hoặc cảm thấy bất kỳ điều gì bất thường.

- Theo dõi cử động của bé trong những tuần cuối thai kỳ bằng cách đếm những cú đá của trẻ và báo lại với bác sĩ nếu thấy giảm cử động.

- Thảo luận cởi mở bất kỳ câu hỏi hay mối quan tâm nào của bạn với bác sĩ.

Một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Bên cạnh đó, bạn còn cần chú ý ngay cả khi đã tới bệnh viện. Để đảm bảo có một quá trình sinh đẻ diễn ra suôn sẻ, bạn cần phải hỏi rõ nhân viên y tế về quy trình nếu còn thấy vướng mắc bất kỳ điểm nào. Bạn có thể yêu cầu được làm quen với bất kỳ thiết bị theo dõi thai được sử dụng. Luôn để mắt tới các thiết bị này và thông báo cho bác sĩ hoặc y tá nếu có bất kỳ báo động hay thay đổi đột ngột. Ngoài ra, cần thông báo cho bác sĩ biết bất kỳ điều gì mà bạn cảm thấy bất thường.
                                         

>> Xem thêm: Phòng ngừa tai nạn cho trẻ nhỏ

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!