Sức khỏe

Kĩ thuật y tế A-Z - 04/28/2024

Tên kỹ thuật y tế: Xạ hình tưới máu cơ tim Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu

Tên kỹ thuật y tế: Xạ hình tưới máu cơ tim

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì?

Xạ hình tưới máu cơ tim được dùng để đánh giá lượng máu cung cấp cho cơ tim có đầy đủ hay không không trong lúc bạn đang nghỉ ngơi và vận động. Phương pháp này thường được thực hiện để tìm nguyên nhân gây ra đau ngực. Nó còn có thể được thực hiện sau khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim để kiểm tra xem vùng nào của tim không nhận đủ máu hoặc để đánh giá độ rộng của vùng tổn thương cơ tim.

Đầu tiên bạn sẽ được tiêm chất đánh dấu phóng xạ vào cơ thể theo đường tĩnh mạch, sau đó có một camera sẽ chụp lại hình ảnh của những chất này di chuyển trong tim của bạn. Những chất đánh dấu sẽ đến tim thông qua đường máu. Khi những chất đánh dấu này đến cơ tim thì những nơi nào cơ tim còn hoạt động tốt sẽ hấp thụ đầy đủ những chất đánh dấu này, còn những nơi không hấp thụ chất đánh dấu thì chính là vùng không nhận đủ máu hoặc có thể đã bị hư hại bởi nhồi máu cơ tim.

Có hai bộ hình ảnh sẽ được chụp. Một bộ hình ảnh được chụp trong khi bạn đang nghỉ ngơi. Bộ còn lại được chụp sau khi tim của bạn đã trải qua một hoạt động gắng sức ví dụ như tập thể dục hoặc sau khi uống thuốc. Hai bộ hình ảnh này sẽ được so sánh với nhau.

Xét nghiệm này cũng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như xạ hình cơ tim, tái lập hình ảnh bơm máu cơ tim.

Khi nào bạn nên thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim?

Xạ hình tưới máu cơ tim thường được sử dụng để tìm ra nguyên nhân của những cơn đau ngực chưa rõ nguyên nhân hoặc đau ngực do vận động. Xét nghiệm này cũng được dùng để:

Tìm nguyên nhân gây ra những cơn đau ngực hay nặng ngực mà chưa giải thích được hoặc xuất hiện trong lúc vận động.

Xác định vị trí của vùng cơ tim bị hư hại và mức độ hư hại có lớn không ở bệnh nhân vừa bị nhồi máu cơ tim.

Giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh mạch vành mãn tính.

Dùng để xem tim đã được nhận máu đầy đủ chưa sau khi phẫu thuật tim hoặc làm thủ thuật nong mạch vành.

Xác định xem tim có bị dị tật bẩm sinh hay không. Phương pháp này còn có thể được dùng phối hợp với phẫu thuật để điều trị một số dị tật bẩm sinh.

 

Điều cần thận trọng

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim?

Bạn không nên làm xét nghiệm hoặc nếu có làm cũng không mang lại lợi ích gì nếu bạn có những điều sau đây:

  • Bạn đã mắc một cơn nhồi máu cơ tim nặng trong thời gian gần đây;
  • Bạn bị viêm các bộ phận của tim, chẳng hạn như sarcoidosis hay viêm cơ tim;
  • Bạn bị bầm tím cơ tim (do đụng dập tim);
  • Cơ tim của bạn bị suy yếu;
  • Bạn bị xơ hóa cơ tim
  • Bạn bị hẹp van tim nặng;
  • Bạn hiện đang cấy ghép thiết bị tim mạch, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim;
  • Bạn mắc một chứng bệnh khiến cho việc vận động trở nên khó khăn, chẳng hạn như bệnh phổi, viêm khớp, hoặc một vấn đề thần kinh cơ;
  • Bạn đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như dipyridamole (Persantine) và pentoxifylline (Trental);
  • Bạn bị mất cân bằng điện giải nặng (đặc biệt là canxi, kali, natri, hoặc magiê);
  • Bạn đang có thai hoặc cho con bú (trừ trường hợp cấp cứu)
  • Đôi khi, đối với  bệnh nhân nữ có bộ ngực lớn, hình ảnh chụp được có thể sẽ không rõ ràng.

Đối với người lớn tuổi và những người có bệnh mà không thể vận động mạnh, chẳng hạn như những người béo phì hoặc những người có bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh động mạch ngoại biên, tổn thương tủy sống, viêm khớp, hoặc bệnh đa xơ cứng thì sẽ sử dụng thuốc thay vì bắt bệnh nhân phải vận động.

Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện kiểm xạ hình tưới máu cơ tim?

Nhìn chung bạn không cần chuẩn bị nhiều. Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có chứa caffeine trước đó. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên bạn không dùng các thuốc bạn đang uống (điều trị các bệnh khác) trong vòng một vài ngày trước khi chụp. Bạn nên mang theo một danh sách các loại thuốc bạn đang dùng vào ngày xét nghiệm, bác sĩ sẽ giúp bạn tư vấn kĩ càng hơn.

Quy trình thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim như thế nào?

Xạ hình tưới máu cơ tim thường được thực hiện trong khoa X quang của bệnh viện hoặc phòng y học hạt nhân, phòng khám bác sĩ hoặc tại một phòng khám ngoại trú. Xét nghiệm này được thực hiện bởi một bác sĩ và kỹ thuật viên được đào tạo trong lĩnh vực y học hạt nhân.

Ghi hình khi bạn đang nghỉ ngơi

Trong xét nghiệm này, bạn không phải vận động. Bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ đồ tới phần trên thắt lưng và mặc áo choàng của bệnh viện. Điện cực sẽ được gắn vào ngực để theo dõi nhịp tim của bạn.

Bác sĩ sẽ tim một lượng nhỏ chất phóng xạ vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay của bạn.

Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn có một máy ảnh lớn đặt trên ngực. Chiếc máy ảnh này sẽ ghi lại tín hiệu của chất đánh dấu khi nó di chuyển trong máu của bạn. Máy ảnh không tạo ra bất kỳ bức xạ nào, do đó bạn sẽ không phải tiếp xúc với bất kỳ bức xạ nào khác trong khi ghi hình.

Bạn sẽ được yêu cầu nằm yên 5-10 phút trong mỗi lần ghi hình. Chiếc máy ảnh sẽ di chuyển để lấy hình ảnh từ các góc độ khác nhau. Máy sẽ thực hiện quét nhiều lần.

Toàn bộ quá trình kéo dài 30-40 phút, sau đó bạn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường.

Xạ hình tưới máu cơ tim dùng thuốc

Xạ hình tưới máu cơ tim dùng thuốc sẽ được thực hiện theo hai bước. Ở nhiều bệnh viện, ghi hình lần đầu tiên được chụp trong khi bệnh nhân đang nằm yên. Sau đó, bộ ảnh thứ hai sẽ được chụp sau khi bệnh nhân được uống một loại thuốc như adenosine làm cho tim có các phản ứng như khi bạn vừa vận động mạnh xong. Đôi khi xạ hình tưới máu cơ tim dùng thuốc được thực hiện trước và ghi hình khi nghỉ ngơi có thể được thực hiện vào ngày hôm sau.

Xạ hình tưới máu cơ tim dùng thuốc thường được sử dụng khi bệnh nhân không thể tập thể dục vì một số lý do khác nhau.

Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ được yêu cầu ngồi hay nằm trên bàn khám và bác sĩ sẽ cho bạn làm điện tâm đồ thường quy (EKG hay ECG) trong khoảng 5-10 phút.

Sau đó, bạn sẽ được tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Bạn có thể cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, đỏ mặt và buồn nôn. Nhưng những triệu chứng này thường không kéo dài lâu. Bác sĩ sẽ tiếp tục đo điện tâm đồ và theo dõi huyết áp của bạn. Sau khi thuốc có tác dụng (khoảng 4 phút), chất đánh dấu phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể bạn thông qua tĩnh mạch.

Bạn sẽ phải chờ khoảng 30-60 phút. Bạn có thể được yêu cầu ăn hay uống thứ gì đó. Sau đó, bạn nằm lên bàn khám để máy ghi hình. Chiếc máy ảnh này ghi lại tín hiệu của chất đánh dấu khi nó di chuyển trong máu. Máy ảnh không tạo ra bất kỳ bức xạ nào, do đó bạn sẽ không phải tiếp xúc với bất kỳ bức xạ nào khác trong khi quét.

Đôi khi bác sĩ sẽ chụp thêm vài tấm hình nữa sau khi bạn nghỉ ngơi trong 2 đến 4 giờ. Hầu hết mọi người có thể tiếp tục chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường sau khi ghi hình.

Xạ hình tưới máu cơ tim khi vận động

Trong xét nghiệm xạ hình tưới máu cơ tim bằng cách vận động, đầu tiên nhịp tim của bạn sẽ được kiểm tra bằng điện tâm đồ (EKG hay ECG). Bởi vì EKG cần phải được gắn vào ngực, nên bệnh nhân nam thường cởi trần và bệnh nhân nữ thường mặc áo ngực, áo choàng, áo sơ mi hoặc nới lỏng áo.

Xạ hình tưới máu cơ tim bằng cách vận động được thực hiện theo hai bước. Đầu tiên là chụp các hình ảnh khi bệnh nhân nghỉ ngơi, sau đó sẽ chụp các hình ảnh khi bệnh nhân đang vận động. Đôi khi xạ hình tưới máu cơ tim bằng cách vận động sẽ được thực hiện trước và ghi hình khi nghỉ ngơi có thể được thực hiện vào ngày hôm sau.

Ở nhiều bệnh viện, hình ảnh chụp khi bệnh nhân nghỉ ngơi được chụp bằng một loại chất đánh dấu. Trong khi đó, các hình ảnh khi tim của bạn đã được kích thích bằng việc vận động sẽ được chụp bằng nhiều loại chất đánh dấu khác nhau.

Trong bài kiểm tra này, bạn sẽ vận động bằng máy chạy bộ hoặc xe đạp thể thao. Nhịp tim của bạn sẽ được kiểm tra trong suốt quá trình bằng cách sử dụng điện tâm đồ chuẩn. Huyết áp của bạn sẽ được kiểm tra bằng cách sử dụng một vòng huyết áp trên cánh tay.

Đầu tiên bạn bắt đầu đi bộ hoặc đạp chậm và nhẹ nhàng. Cứ vài phút, tốc độ và độ nghiêng của máy chạy bộ hoặc sức nặng của chiếc xe đạp sẽ được tăng lên. Bạn sẽ thực hiện tiếp cho đến khi bạn cảm thấy mình quá mệt không thể thực hiện được nữa hoặc cho đến khi bạn đạt đến nhịp tim thích hợp. Sau đó, bạn sẽ được tiêm chất đánh dấu thông qua tĩnh mạch và tiếp tục vận động thêm 1-2 phút nữa để chất đánh dấu lưu thông trong cơ thể.

Sau đó bạn sẽ nằm trên bàn ghi hình trong vòng 5 đến 10 phút. Máy ảnh không tạo ra bất kỳ bức xạ nào, do đó bạn sẽ không phải tiếp xúc với bất kỳ bức xạ nào thêm trong quá trình ghi hình.

Đôi khi, bác sĩ sẽ cho chụp thêm vài ảnh nữa sau khi bạn nghỉ ngơi trong 30 phút đến 4 giờ. Ở một số bệnh viện, bạn sẽ được tiêm thêm chất đánh dấu vài giờ sau khi vận động và trước khi chụp những hình ảnh cuối cùng.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim?

Bạn nên ngồi dậy chậm rãi để tránh chóng mặt hoặc tình trạng lâng lâng khi chuyển từ nằm thẳng sang đứng thẳng. Bạn nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên trong vòng 24-48 giờ sau khi thử nghiệm để loại bỏ hết các chất phóng xạ còn lại trong cơ thể.

Hầu hết mọi người có thể tiếp tục chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường sau khi xét nghiệm.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả xét nghiệm thường có sau 1-3 ngày.

Kết quả bình thường

Nếu chất đánh dấu phân bố đều khắp cơ tim của bạn.

Kết quả bất thường

Nếu có những khu vực không thể hấp thụ được chất phóng xạ. Điều này có nghĩa là vài khu vực của tim không nhận đủ lượng máu cần thiết hoặc tim của bạn bị tổn thương hay bạn đã mắc phải các chứng bệnh liên quan tới động mạch vành.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Review Date: November 19, 2015   |   Last Modified: November 19, 2015

Nguồn tham khảo

Pagana, Kathleen D, and Timothy J. Pagana. Mosby’s Manual of Diagnostic and Laboratory Tests. St. Louis, Mo: Mosby/Elsevier, 2010. Bản in. Trang 222 – 223.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!