Thai chết lưu là thai chết sau khi đã đủ 28 tuần tuổi trong bụng mẹ. Nếu thai chết trước khi hoàn thành 24 tuần tuổi sẽ được gọi là sẩy thai. Đây là một vấn đề y tế gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của mẹ bầu và gia đình. Để tránh gặp phải tình trạng không may này, bạn đọc hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân và làm thế nào để giảm bớt rủi ro xảy ra thai chết lưu nhé.
Nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng thai chết lưu
Dưới đây là một số nguyên nhân được cho là thường gây thai chết lưu:
Nhiễm khuẩn ở mẹ, thai nhi hoặc bánh nhau
Một vài loại nhiễm trùng có thể không biểu hiện triệu chứng ở mẹ. Vì thế, chúng không được phát hiện cho đến khi gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sinh non hoặc thai chết lưu. Các loại nhiễm khuẩn được biết có thể gây thai chết lưu bao gồm :
- Nhiễm Cytomegalovirus (CMV), một loại virus thuộc họ Herpesviridae. Mẹ bầu có thể bị lây nhiễm thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể (nước bọt, dịch nhầy cơ quan sinh dục, nước tiểu, máu) của người mang mầm bệnh;
- Hồng ban nhiễm trùng, một căn bệnh thường gặp ở trẻ em trước đây do nhiễm Parvovirus B19. Nó thường lây truyền qua không khí khi người bị nhiễm loại virus này ho hoặc hắt hơi;
- Nhiễm trùng đường niệu dục. Cơ quan sinh dục như âm đạo và buồng trứng, hoặc đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn có thể gây ra tình trạng thai chết lưu. Chẳng hạn như phụ nữ nhiễm Herpes sinh dục lần đầu khi đang mang thai có thể dẫn đến thai chết lưu. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Người ta có thể bị nhiễm khi quan hệ với một người đang bị nhiễm Herpes sinh dục;
- Bị nhiễm Listeria monocytogenes từ thức ăn;
- Giang mai;
- Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondiitừ phân mèo có ký sinh trùng hoặc thịt có ký sinh trùng chưa nấu chín.
Các biến chứng trong quá trình mang thai
Mẹ bầu nên lưu ý các tình trạng dưới đây trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng thai chết lưu:
- Thai quá ngày, tuổi thai lớn hơn 42 tuần;
- Mẹ bị tiểu đường, béo phì, tiền sản giật hoặc tăng huyết áp;
- Lupus ban đỏ hệ thống. Đây là một loại bệnh tự miễn, cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại các mô khỏe mạnh do một tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch;
- Chuyển dạ sinh non: chuyển dạ trước khi thai được 37 tháng;
- Vỡ ối non: là tình trạng lớp màng ối bao bọc lấy thai bị vỡ sớm gây chuyển dạ;
- Mẹ bị chấn thương (như tai nạn giao thông);
- Mẹ mắc rối loạn đông máu thrombophilia khiến cho cơ thể dễ tạo huyết khối hơn bình thường hoặc mắc rối loạn tuyến giáp.
Nguyên nhân từ thai nhi
Bên cạnh các vấn đề từ mẹ, nguyên nhân gây thai chết lưu có thể liên quan đến chính thai nhi, bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh và các rối loạn của bộ gen. Cứ 100 trường hợp thai chết lưu thì có tới 14 trường hợp thai bị dị tật bẩm sinh hoặc có rối loạn về bộ gen, chẳng hạn như hội chứng Down;
- Thai chậm tăng trưởng;
- Thai không nhận được đủ oxy trong quá trình chuyển dạ và sổ thai;
- Bất đồng nhóm máu Rhesus. Xảy ra khi mẹ có nhóm máu Rh âm, con lại có Rh dương. Cơ thể mẹ hình thành kháng thể chống nhóm máu Rh dương của con.
Nguyên nhân từ nhau thai
Các vấn đề thuộc nhóm này bao gồm: huyết khối, tình trạng viêm và các vấn đề thuộc mạch máu khác của nhau thai cùng những tình trạng như là nhau bong non.
Nhau bong non là một tình trạng y khoa nghiêm trọng, trong đó nhau thai tách hẳn ra khỏi thành tử cung dù em bé chưa được sinh ra. Những người phụ nữ hút thuốc lá hoặc sử dụng cocaine trong lúc mang thai có khả năng bị nhau bong non cao hơn hẳn so với những người phụ nữ khác. Các vấn đề về nhau thai gây ra khoảng 24 ca trong 100 ca thai chết lưu.
Các vấn đề của dây rốn như dây rốn bị thắt nút cũng là nguyên nhân gây thai chết lưu. Trung bình cứ 100 ca thai chết lưu thì có 10 ca có nguyên nhân từ dây rốn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thai chết lưu
Dù cho việc có nguy cơ cao không đồng nghĩa là bạn sẽ chắc chắn bị thai chết lưu, thế nhưng việc tìm hiểu xem liệu mình có nguy cơ cao hay không sẽ giúp bạn yên tâm hơn về sức khỏe của bé cũng như biết được các yếu tố xấu có thể ảnh hưởng để phòng tránh.
- Bị béo phì : chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên;
- Đa thai;
- Mang thai khi tuổi mẹ từ 35 trở lên;
- Có vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, huyết áp hạ hoặc tăng;
- Con so (bạn mang thai lần đầu);
- Có tiền sử từng bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc bé sau khi sinh mất trong vòng 28 ngày;
- Có biến chứng ở lần mang thai trước như sinh non, tiền sản giật hoặc thai chậm tăng trưởng;
- Hút thuốc lá, dùng ma túy, chất kích thích, uống rượu bia hoặc dùng nhiều thuốc giảm đau khi đang mang thai.
Cách nhận biết thai chết lưu
Triệu chứng phổ biến nhất của thai chết lưu là bạn không cảm nhận được thai máy nữa. Thai máy là cử động của thai trong tử cung mà mẹ cảm nhận được. Các dấu hiệu khác bao gồm đau trằn bụng và xuất huyết âm đạo.
Nếu có những dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy đi đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời nhé.
Bạn có thể quan tâm đến đề tài:
- Thai chết lưu – phòng tránh thế nào?
- Thai chết lưu: phòng ngừa trước và trong thai kỳ
- Bác sĩ lấy thai lưu như thế nào?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!