Thai chết lưu: phòng ngừa trước và trong thai kỳ

Chăm sóc mẹ - 11/24/2024

Hello Bacsi - Bài viết cung cấp cách phòng ngừa thai chết lưu trước và trong thai kỳ để bạn có thể bảo vệ thai nhi khỏi tình trạng nguy hiểm này. 

Làm thế nào để giảm nguy cơ thai chết lưu luôn là bận tâm hàng đầu của phụ nữ mang thai. Sau khi bác sĩ cung cấp rõ nguyên nhân thai lưu của bạn, bạn nên bắt đầu tìm cách giảm thiểu nguy cơ thai chết lưu trước và trong khi mang thai.

Trước khi mang thai

Nếu vẫn chưa mang thai, bạn nên sắp xếp đi khám bác sĩ để được sớm phát hiện và điều trị các vấn đề có thể gây ảnh hưởng xấu lên thai kì.

Nếu đang bị những bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bạn hãy tuân thủ điều trị của bác sĩ để đảm bảo các vấn đề đó được kiểm soát tốt trước khi bạn cố gắng thụ thai.

Bạn hãy uống 400 mg axit folic mỗi ngày (uống viên đơn hoặc kèm theo các loại vitamin khác) trước ít nhất một tháng khi bạn muốn có thai để làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi.

Nếu bạn bị béo phì, hãy cân nhắc giảm cân trước khi bạn muốn có thai chứ không nên cố gắng giảm cân khi đang có thai.

Phòng ngừa thai chết lưu trong suốt thai kỳ

Bạn không nên hút thuốc, uống rượu, dùng ma túy hoặc chất kích thích nào khi đang mang thai. Nếu gặp vấn đề trong việc cai rượu, thuốc lá… bạn hãy gặp bác sĩ để được giới thiệu đến một chương trình giúp cai nghiện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thai phụ bỏ thuốc lá sau khi sinh con đầu sẽ làm giảm nguy cơ thai chết lưu ở lần mang thai tiếp theo xuống bằng với những thai phụ không hút thuốc bao giờ.

Các dấu hiệu nguy hiểm nào mà mẹ bầu cần báo ngay cho bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt giữa và cuối vì đây có thể là dấu hiệu của nhau bong non. Các dấu hiệu khác mà bạn cần phải báo ngay cho bác sĩ bao gồm tử cung tăng cảm giác đau, đau lưng, co thắt thường xuyên hoặc có cơn gò, thai giảm cử động.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn đếm cử động thai từ 28 tuần thai. Mẹ bầu sẽ được yêu cầu đo thời gian thai thực hiện 10 cử động là bao lâu. Nếu đo được thai máy ít hơn 10 cử động trong 2 giờ hoặc cảm thấy thai cử động ít hơn bình thường, bạn cần được kiểm tra và theo dõi ngay. Bạn hãy gặp bác sĩ ngay nếu cảm thấy có bất cứ điều gì không ổn.

Nếu đã từng bị thai chết lưu hoặc thai kì của bạn có nguy cơ cao, bạn sẽ được theo dõi kỹ lưỡng trong suốt quá trình mang thai và được thực hiện các xét nghiệm thai trong tam cá nguyệt cuối, thường bắt đầu ở tuần thứ 32. Bạn sẽ được làm các xét nghiệm để đo tim thai, đo NST và trắc đồ sinh vật lý. Nếu kết quả cho thấy thai nhi nên được lấy ra càng sớm càng tốt, bạn sẽ được khởi phát chuyển dạ hoặc sinh mổ ngay.

Thai chết lưu là một trường hợp không may xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thai phụ và gia đình. Hy vọng rằng với những gì Hello Bacsi đã chia sẻ, bạn đọc sẽ có thêm cái nhìn sâu hơn về tình trạng này để góp phần ngăn ngừa và đối mặt với nó để mang lại những gì tốt đẹp nhất cho bé.

Bạn có thể quan tâm đến đề tài:

  • Bác sĩ lấy thai lưu như thế nào?
  • Nguyên nhân cụ thể của thai chết lưu
  • Thai chết lưu – phòng tránh thế nào?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!