Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án 818 tại các địa phương

Thời sự - 04/29/2024

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên dân số bị cắt giảm nhiều, không ổn định, thường xuyên thay đổi trong khi thù lao thấp và chậm cấp phát. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và nhiệt huyết trong quá trình công tác, từ đó, làm giảm hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có Đề án 818 ở địa phương.

Đề án 'Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020' (Đề án 818) được triển khai với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng phương tiện tránh thai; cung ứng dịch vụ KHHGĐ/SKSS chất lượng cho người dân đảm bảo sự công bằng xã hội và tính bền vững của chương trình DS-KHHGÐ.

Thời gian qua, Đề án đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, đem lại kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Việc triển khai Đề án 818 trên địa bàn tỉnh đã từng bước đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm tính bền vững của Chương trình DS-KHHGĐ, góp phần trực tiếp thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế/dân số.

Đặc biệt, Đề án đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ đối với đơn vị quản lý.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án 818 tại các địa phương

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, bộ máy tổ chức xáo trộn, đội ngũ cộng tác viên dân số bị cắt giảm nhiều, không ổn định đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án dân số, trong đó có Đề án 818 ở địa phương. Ảnh minh họa N.Mai

Với đối tượng thụ hưởng, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân từ 'bao cấp, miễn phí' sang sử dụng dịch vụ 'mua, bán' theo nhu cầu và điều kiện kinh tế để có được dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Dân số tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn còn gặp phải trong quá trình triển khai Đề án. Cụ thể như: Một số cấp ủy, chính quyền đôi khi còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của địa phương, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, dân số; một bộ phận người dân vẫn có thói quen được bao cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ từ rất nhiều năm qua, khi không còn được cấp phát mà phải tự bỏ tiền mua thì chưa dễ dàng thay đổi và chấp nhận ngay.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm phân phối trong Đề án 818 còn bị ngắt quãng trong việc cung ứng gây tâm lý không tốt cho đội ngũ nhân viên bán hàng cũng như người dân trong quá trình phân phối và sử dụng sản phẩm; một số doanh nghiệp yêu cầu thanh toán sớm trong thời gian ngắn sau khi nhập sản phẩm hoặc tính lãi suất nếu quá hạn.

Tuy nhiên đối với đặc điểm là đơn vị quản lý Nhà nước, việc yêu cầu thanh toán sớm như đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì không thể thực hiện được. Do vậy đã ảnh hưởng đến việc phân phối đa dạng các sản phẩm của Đề án trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các khó khăn trên, một trong những khó khăn lớn và hiện hữu nhất đối với công tác dân số nói chung cũng như công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ hiện nay là sự thay đổi về tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các hoạt động và hiệu quả của Đề án.

Đây cũng là thực trạng khó khăn chung của rất nhiều địa phương trên cả nước khi thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình triển khai Đề án 818 cũng như các chương trình, hoạt động khác của ngành Dân số, vai trò của cộng tác viên dân số ở các địa phương rất quan trọng. Họ là những người sinh sống tại địa bàn, am hiểu nếp sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người dân nên việc vận động người dân thực hiện, tiếp cận đề án có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên dân số bị cắt giảm nhiều, không ổn định, thường xuyên thay đổi trong khi thù lao thấp và chậm cấp phát. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và nhiệt huyết trong quá trình công tác, từ đó, làm giảm hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có Đề án 818 ở địa phương.

Các chuyên gia nhận định, thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai là một hướng đi đúng đắn, tuy nhiên đó không phải là một việc làm đơn giản và không thể làm ngay trong 'một sớm, một chiều'.

Bởi vậy, Đề án cần tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể để góp phần thực hiện thành công Chương trình Dân số-KHHGĐ và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để Đề án 818 được triển khai có hiệu quả hơn, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, thời gian tới, Ban Quản lý Đề án 818 ở Trung ương cần đa dạng hóa các sản phẩm của Đề án, đặc biệt là các phương tiện tránh thai như: Vòng tránh thai, thuốc tiêm tránh thai… để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện kinh tế, theo phân khúc thị trường; kịp thời cung ứng sản phẩm và bố trí thời gian hợp lý cho việc thanh toán, thu hồi sản phẩm.

Bên cạnh đó, có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt các hoạt động của Đề án nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của cán bộ quản lý, nhân viên bán hàng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!