Khi tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là cần đáng chú ý, bởi vì nó rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai, phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh.
Thông thường sau lứa tuổi này, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Mất ngủ còn cho thấy chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ (ăn bữa tối quá no, uống nhiều chất kích thích (cà phê, trà đặc...). Dùng một số thuốc để điều trị một số bệnh nào đó cũng làm cho người cao tuổi bị mất ngủ. Môi trường sống ô nhiễm bụi, chất thải, chất độc hại, nhiều tiếng ồn (nhạc, tiếng động)... cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của người cao tuổi.
Cuộc sống tinh thần cũng làm ảnh hưởng khá lớn đến giấc ngủ của người cao tuổi. Trong gia đình hòa thuận, luôn có tiếng cười thì người cao tuổi sẽ ngủ ngon, nhưng hay cãi cọ, nhiều bất đồng (trong gia đình hay hàng xóm láng giềng) sẽ làm cho người cao tuổi 'khó ăn, khó ngủ'.
Mất ngủ với người cao tuổi là một vấn nạn vì nó làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe (Ảnh minh họa: Internet)
Có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi, loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp. Bệnh đau nhức xương khớp có thể biểu hiện cả ngày lẫn đêm nhưng hay gặp nhất vẫn là ban đêm, nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.
Nếu giấc ngủ chưa ổn định, cần đến gặp bác sĩ khám bệnh cho mình để được điều chỉnh thuốc. Bệnh về tim mạch cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến giấc ngủ của người cao tuổi, đặc biệt bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho người cao tuổi hay bị đau tức ngực, khó chịu và vì vậy sẽ lo lắng, mất ngủ.
Nếu người cao tuổi mắc một số bệnh về đường hô hấp gây khó thở, ho nhiều, thiếu oxy trầm trọng làm cho người bệnh lo lắng, hốt hoảng không thể nào ngủ được hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc. Người cao tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa (bệnh dạ dày - tá tràng, bệnh viêm đại tràng co thắt), ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ. Nhiều người bị đau âm ỉ suốt đêm không thể nào chợp mắt được và vì vậy sức khỏe sa sút một cách nghiêm trọng.
Một số bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi bị mất ngủ vì hay đi tiểu đêm. Bởi vì, sau mỗi một lần đi tiểu đêm rất khó ngủ tiếp và trằn trọc suốt đêm, đặc biệt trong mùa đông lạnh giá.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!