Người cao tuổi mắc chứng mất ngủ không nên dùng đơn thuốc hoặc thuốc của người này để điều trị cho người kia, bởi vì tính chất và nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuyệt đối tin tưởng và kiên trì điều trị.
Nếu giấc ngủ chưa ổn định hoặc giấc ngủ chưa được như mong muốn, cần đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh thuốc, không nên buồn chán, lo lắng lại càng gây mất ngủ. Với những người đang mắc một số bệnh nào đó, nên tích cực điều trị và tin tưởng, không nên lo lắng thái quá sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.
Bên cạnh đó, ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức, không nên quá lạm dụng trong khâu ăn, uống (bia, rượu, chua cay, cà phê, thuốc lá). Một số người cao tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng với nhiều lý do khác nhau nhưng người nhà cần biết sớm để khắc phục. Nếu để kéo dài tình trạng này, ngoài rối loạn giấc ngủ còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể.
Khi mất ngủ, người cao tuổi nên đi khám bệnh để xác định nguyên nhân (Ảnh minh họa: Internet)
Trong mỗi một gia đình, nên tạo cho người cao tuổi một không khí yên bình, tránh để xảy ra các tác động xấu về tinh thần không tốt cho giấc ngủ. Ngoài ra, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của người cao tuổi.
Hiện nay có nhiều hình thức vận động thể như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh, nhưng có lẽ thông dụng và dễ áp dụng là đi bộ. Mỗi một ngày nên đi bộ có tổng cộng thời gian không quá 60 phút, không nên đi bộ một lúc mà chia ra làm 2 - 3 lần, mỗi lần không quá 15 - 20 phút là vừa.
Đối với những người cao tuổi có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ quá lạnh, quá nóng hoặc lúc trời đang mưa, gió mạnh...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!