Điều đó có nghĩa là hàng triệu bệnh nhân trên thế giới đang dùng nhiều hơn một thuốc mỗi ngày và nguy cơ đến từ việc dùng sai thuốc do đó cũng gia tăng. Chính vì vậy, người bệnh cần tránh những sai lầm sau đây khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tự ý thay đổi liều hay ngừng thuốc là sai lầm thường gặp và có thể gây hậu quả nguy hiểm.
Bỏ qua tác dụng phụ của thuốc
Các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong thời gian dùng thuốc, kể cả khi đã ngừng thuốc, nhưng thường xảy ra khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới hoặc thay đổi liều lượng thuốc. Hầu hết các tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua, tuy nhiên vẫn tồn tại những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc dai dẳng trong suốt thời gian dùng thuốc.
Ví dụ tác dụng phụ gây ho của thuốc ức chế men chuyển dùng trong điều trị tăng huyết áp sẽ xảy ra trong suốt thời gian dùng thuốc, những cơn ho này không đỡ khi dùng thuốc trị ho. Nếu các cơn ho gây cản trở đến sinh hoạt bình thường của bạn, hãy báo cho bác sĩ để được thay đổi liệu pháp điều trị thích hợp. Các tác dụng phụ nghiêm trọng như có máu trong phân hoặc nước tiểu, khó thở, nhìn mờ, đau đầu dữ dội cần sự can thiệp y tế ngay.
Tất cả các thuốc đều tiềm tàng tác dụng phụ, nhưng một số nhóm thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn các thuốc khác và cần sự theo dõi trên những đối tượng nguy cơ. Các thuốc điều trị đái tháo đường như insulin tác dụng nhanh, thuốc nhóm sulfonylurea gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, thuốc chống đông máu như warfarin có thể gây chảy máu. Do vậy, người bệnh cần hỏi bác sĩ/dược sĩ về những tác dụng phụ thường xảy ra cũng như những trường hợp nào cần đến sự chăm sóc y tế.
Tự ý dùng thêm các thuốc không kê đơn và chế phẩm bổ sung
Mặc dù các thuốc không kê đơn có thể được mua dễ dàng tại các nhà thuốc mà không có đơn bác sĩ, chúng vẫn có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với những thuốc khác. Hãy báo cho bác sĩ/dược sĩ trước khi có ý định sử dụng bất kỳ một loại thuốc không kê đơn nào để đảm bảo rằng chúng an toàn với bệnh nhân. Nếu đang sử dụng thuốc điều trị bệnh giáp trạng, bệnh nhân cần tránh sử dụng các thuốc điều trị cảm lạnh, mà cụ thể là các thuốc chống sung huyết pseudoephedrine có thể gây lơ mơ, buồn ngủ và gây tương tác thuốc.
Các vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược cũng gây ra tác dụng phụ và tương tác thuốc. Ví dụ, các vitamin nhóm B có thể gây tổn thương cơ và thận khi dùng cùng với thuốc điều trị tăng mỡ máu nhóm statin. Người bệnh tăng huyết áp không nên dùng đương quy khi đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu thiazide và không nên dùng ma hoàng, nhân sâm hay yohimbe do chúng có thể làm tình trạng của bệnh tăng huyết áp trở nên xấu hơn.
Bên cạnh việc kiểm tra các tương tác và độ an toàn của các thực phẩm chức năng hay thảo dược, các bác sĩ/dược sĩ còn có thể tư vấn cho bạn những chế phẩm có uy tín và chất lượng.
Quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng giờ
Tuân thủ điều trị đóng vai trò lớn đến hiệu quả điều trị của thuốc. Bác sĩ không thể biết được hiệu quả hay đáp ứng của thuốc nếu không biết được cách bệnh nhân uống thuốc. Một bệnh nhân tăng huyết áp được kê đơn một loại thuốc cần uống 2 lần/ngày, nhưng bệnh nhân lại không tuân thủ điều trị, dẫn đến không đạt mục tiêu huyết áp, khi tái khám bác sĩ có thể phải tăng liều hoặc kê thêm thuốc mới.
Có rất nhiều lý do khiến bệnh nhân ngừng thuốc hoặc quên uống thuốc. Có thể là bệnh nhân quên do các thuốc phải uống vào nhiều thời điểm khác nhau, thời điểm uống thuốc không thuận lợi hay tác dụng phụ của thuốc làm bệnh nhân khó chịu. Hãy thảo luận với bác sĩ bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc dùng thuốc để được điều chỉnh một đơn thuốc hợp lý nhất. Nếu hay quên, bệnh nhân có thể tham khảo các ứng dụng nhắc uống thuốc hoặc sử dụng hộp chia liều thuốc.
Tự ý thay đổi liều dùng
Khi bị bệnh, theo tâm lý chung, bệnh nhân thường muốn hết bệnh nhanh, nên khi thấy thuốc chậm phát huy tác dụng đã tự tiện tăng liều thuốc. Bệnh nhân cần biết rằng, rất nhiều thuốc cần một thời gian uống nhất định, có thể kéo dài đến vài tuần để đạt được hiệu quả. Tăng liều thuốc có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hại, đặc biệt là đối với các thuốc chống trầm cảm hay thuốc tim mạch nhóm chẹn beta giao cảm. Lại có khi, bệnh nhân uống thuốc, thấy bệnh đỡ, liền tự ý ngừng thuốc. Không chỉ tăng liều, mà việc dừng đột ngột các thuốc này cũng có thể dẫn đến các tai biến như đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim.
Do vậy, bệnh nhân cần tuân thủ chính xác chỉ định và liều lượng của bác sĩ, không thay đổi liều lượng hay dừng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Một số lỗi dùng thuốc khác
Ngoài những sai lầm dễ xảy ra khi dùng thuốc nêu ở trên, các bệnh nhân còn mắc phải những lỗi như dùng kháng sinh cũ cho nhiễm khuẩn mới, làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc và khiến bệnh tình khó điều trị hơn; uống thuốc theo thói quen mà không đọc hướng dẫn sử dụng hay nhận tư vấn từ dược sĩ; tự chẩn đoán tình trạng của bản thân và mua thuốc tự điều trị bừa bãi...
Những sai lầm trên không hề xa lạ, bệnh nhân cần ý thức hơn về tình trạng sức khỏe của mình, mọi vấn đề liên quan đến thuốc đều cần nhận được sự tư vấn y tế thích hợp.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!