Nocebo là gì?

Cần biết - 11/24/2024

Trong một tổng quan vào năm 2013, các nhà y dược học ghi nhận trong 41 thử nghiệm lâm sàng thử thuốc mới trị bệnh Parkinson, có đến 8,8% các trường hợp người tình nguyện dùng placebo (giả dược hay thuốc vờ) bị tác dụng phụ có hại của thuốc.

Tức là, trong 100 người dùng placebo không phải thuốc thật, thế mà có đến 8 - 9 người bị các tác dụng phụ của thuốc trị bệnh Parkinson hành hạ: khô miệng, táo bón, buồn nôn, nôn, chóng mặt, mất ngủ, ảo giác, rối loạn trương lực cơ, tăng vận động. Đến độ 8-9 người này chịu không nổi phải bỏ dở cuộc thử nghiệm.

Hiện tượng bị tác dụng phụ có hại của placebo được gọi lả hiệu ứng nocebo xảy ra từ lâu, gần như đồng thời với việc phát hiện placebo. Từ “nocebo” do tác giả Walter Kennedy đưa ra vào năm 1961. Nocebo cũng xuất phát từ tiếng La Tinh có nghĩa “Tôi gây hại” đối nghịch với placebo là “Tôi làm vui lòng”.

Khi làm thí nghiệm với placebo, trong khi chờ đợi hiệu ứng placebo, người ta lại có hiện tượng mà Kennedy gọi là phản ứng nocebo (nocebo reaction).

Đối với một chất trơ không phải là thuốc, nếu người bệnh nghĩ đó là thuốc có thể bị các tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ của placebo được gọi là nocebo có thể là những gì khó chịu đối với cơ thể một cách tổng quát như mệt mỏi, nhưng cũng có thể có tính đặc hiệu, như người dùng placebo đinh ninh đó là thuốc quinine trị sốt rét sẽ bị ù tai nghe thấy tiếng chuông reo trong lỗ tai (tác dụng phụ của thuốc quinine thật) ở mức chịu không nổi.

Nocebo là gì?Nocebo cũng xuất phát từ tiếng La Tinh có nghĩa “Tôi gây hại” đối nghịch với placebo là “Tôi làm vui lòng”

Cần lưu ý, placebo có nguyên nghĩa là “Tôi làm vui lòng” cũng có ý cho rằng lời nói, thái độ của bác sĩ có tác động tích cực đến tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Cũng thế, nocebo với nguyên nghĩa “Tôi gây hại” cũng dùng để chỉ lời nói, thái độ của bác sĩ không tốt, gieo sự nghi ngờ sẽ làm bệnh của người bệnh nặng thêm.

Trong một nghiên cứu lâm sàng thực hiện vào năm 1980, một số bệnh nhân sau cuộc mổ (hậu phẫu) được dùng thuốc giảm đau theo yêu cầu (tức có đau mới dùng thuốc).

Các bệnh nhân này được chia làm 3 nhóm cho dùng thuốc giảm đau theo yêu cầu là placebo (tức không có tác dụng giảm đau nào hết) trong ba ngày, đặc biệt trước khi cho dùng thuốc bác sĩ dặn dò với 3 kiểu nói. Nhóm 1 bác sĩ không nói gì cả. Nhóm 2, bác sĩ nói với người bệnh: “Thuốc giảm đau được cho dùng có thể là thuốc thật nhưng cũng có thể là placebo”. Nhóm 3, bác sĩ nói với giọng quyết liệt: “Thuốc giảm đau cho dùng là thuốc cực kỳ tốt”.

Kết quả là nhóm 1 số có người bệnh yêu cầu được dùng thuốc giảm đau nhiều hơn cả, nhóm thứ 2 có số người bệnh yêu cầu dùng thuốc giảm đau giảm hơn nhóm 1 là 20,8%, còn nhóm 3 có số người bệnh yêu cầu dùng thuốc giảm đau giảm hơn nhóm 1 đến 33,8%. Tức lời nói của bác sĩ theo kiểu nào có thể làm bệnh nhân giảm bệnh hay bệnh nặng thêm.

Rất nhiều người thường hay nói “ Sống phải có tâm”, “có tâm” ở đây chính là có chân tâm, thiện tâm, tâm từ bi… Còn khi nói: “Phải sống vô tâm” vô tâm, không có nghĩa là không có tâm gì cả, như cây đá, mà vô tâm ở đây có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật hiện tượng có hại như tâm gian dối, tâm ghen ghét, tâm hận thù, tâm tham lam, tâm không xem trọng sức khỏe và mạng sống của người khác… Hay vô tâm chính là dứt bặt vọng tâm.

Chân tâm, vọng tâm là những vấn đề mà những người theo triết lý Phật Giáo rất quan tâm, rõ ràng có sự liên hệ với những vấn đề cốt tủy của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của thời hôm nay, trong đó có placebo và nocebo.

Rất mong các thầy thuốc có “tâm” luôn toàn tâm toàn ý trong công việc chuyên môn, tu dưỡng rèn luyện liên tục kiến thức và kỹ năng của mình, vận dụng tốt placebo để đừng bao giờ biến nó thành nocebo gây hại bệnh nhân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!