Nhiễm HIV sau khi hiến máu: Sự thực hay tin đồn nhảm?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hiện nay, không ít người vẫn lầm tưởng về khả năng nhiễm HIV khi đi hiến máu.

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp của những người khỏe mạnh đối với xã hội và cộng đồng. Hàng ngàn bệnh nhân đã được cứu sống nhờ được truyền máu kịp thời. Nhưng vì một số lý do chủ quan lẫn khách quan mà nhiều người 'ngại' đi hiến máu, kể đến như: Không đủ cân nặng, sợ đau, lo ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi hiến... Một trong những lý do thường gặp là sợ bị lây bệnh truyền nhiễm do hiến máu, điển hình trong số đó là bị nhiễm HIV/AIDS. Vậy thì thực sự HIV/AIDS có lây qua đường hiến máu?

Nhiễm HIV sau khi hiến máu: Sự thực hay tin đồn nhảm?

Hiến máu không hề làm lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: Vnexpress

HIV/AIDS lây lan qua những con đường nào?

Vi-rút HIV (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) lây lan qua 3 con đường chính: Từ mẹ sang con, tình dục, đường máu. Nhưng không phải cứ truyền máu là bị lây lan vi-rút HIV. Ví dụ như tiêm chích ma túy, bạn chỉ có thể bị lây nhiễm HIV, nếu trên chiếc kim tiêm đã có dính vi-rút của người đã tiêm chích trước đó. Tương tự như vậy khi quan hệ tình dục, chỉ 1 trong 2 người bị nhiễm HIV thì người còn lại mới có nguy cơ nhiễm bệnh. Người mẹ cũng chỉ truyền HIV sang con nếu bản thân mẹ đã mang vi-rút.

Qua những thông tin trên, có thể thấy rằng vi-rút HIV chỉ lây lan ở một bộ phận người nhất định như: Tiêm chích ma túy, quan hệ với gái mại dâm, dùng chung bơm kim tiêm... Do đó những đối tượng nghiện ma túy, bán dâm thường có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn cả.

Trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm, thời gian sống của người bệnh khoảng từ 7 đến 10 năm. Chính những điều này đã làm gia tăng mối lo lắng trong cộng đồng và tạo ra sự kỳ thị với người nhiễm HIV. Việc thiếu kiến thức về HIV/AIDS của người bình thường đang đẩy người nhiễm HIV vào tình trạng bị cô lập và không được sự giúp đỡ.

HIV/AIDS có lây qua đường hiến máu?

Như đã nói, HIV chỉ lây qua đường máu nếu nhiều người dùng chung dụng cụ truyền máu hay bơm kim tiêm. Để trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Kiên Cường - Viện Y học Dự phòng quân đội cho biết: 'Người đi hiến máu không cần lo lắng về nguy cơ nhiễm HIV khi đi hiến máu. Kim dùng để lấy máu của người hiến chỉ được dùng 1 lần duy nhất nên không có nguy cơ lây nhiễm HIV hay các mầm bệnh khác'.

Thực tế, trước khi hiến máu, mỗi người hiến sẽ được phát một túi máu riêng đã được niêm phong. Kim lấy máu cũng đã được tiệt trùng 100%. Do vậy, người hiến máu yên tâm là sẽ không có bất cứ bệnh truyền nhiễm hay mầm bệnh nguy hiểm nào có thể lây lan khi hiến.

Nếu sau khi đi hiến máu, người hiến có những biểu hiện khác lạ như: Mệt mỏi, chán ăn, người nổi hạch... thì đó chỉ là phản ứng phụ sau khi hiến máu hoặc bản thân người hiến đang mắc một căn bệnh nào đó. Tuyệt nhiên đó không phải là do nhiễm vi-rút HIV. Cũng theo bác sĩ Cường, nếu người hiến có những biểu hiện khác lạ thì nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để kiểm tra rõ ràng.

Nhiễm HIV sau khi hiến máu: Sự thực hay tin đồn nhảm?

Hiến máu còn giúp mang nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Lợi ích của việc hiến máu

Hiến máu chính là cách rẻ nhất giúp bạn được khám sức khỏe: Sau khi nhận máu của bạn, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm toàn diện xem liệu máu đó có an toàn không. Sau khi có kết quả, bạn sẽ nhận được thư tay của Viện huyết học về tình trạng sức khỏe cũng như chất lượng máu của mình.

Một trong những cách phòng tránh nguy cơ các bệnh về tim mạch: Cơ thể thừa sắt và mất kiểm soát lượng sắt trong cơ thể tạo ra nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Hiến máu giúp đưa bớt lượng sắt dư thừa ra bên ngoài, giúp cơ thể ổn định lại lượng sắt. Vì vậy, nguy cơ mắc các bệnh về tim sẽ giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, nếu sau này, người hiến máu có nhu cầu truyền máu thì sẽ được đúng số máu bạn đã từng hiến mà không mất bất cứ chi phí nào. Chỉ cần xuất trình được tờ chứng nhận hiến máu.

TP

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!