Uống cotrimoxazol với ít nước, tăng nguy cơ sỏi thận

Cần biết - 11/24/2024

Trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc cotrimoxazol thuận tiện dùng cho các đối tượng như viên nén, hỗn dịch, dung dịch tiêm truyền.

Cotrimoxazol là một thuốc kháng sinh, hỗn hợp của sulfamethoxazole và trimethoprim với tỷ lệ 5/1. Thuốc dùng để trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với cotrimoxazol như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phế quản; viêm phổi cấp, viêm tai giữa cấp ở trẻ em...), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (lỵ, thương hàn), viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn...

Trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc thuận tiện dùng cho các đối tượng như viên nén, hỗn dịch, dung dịch tiêm truyền. Đối với dạng thuốc để uống như viên nén, hỗn dịch có thể dùng trong bệnh viện và bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú, còn đối với dạng tiêm truyền chỉ nên sử dụng trong các cơ sở y tế.

Khi dùng thuốc cần lưu ý, không dùng thuốc cho người mẫn cảm với thuốc, trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi, người bệnh được xác định thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic.

Thuốc có thể gây vàng da ở trẻ em thời kỳ chu sinh và cản trở chuyển hóa acid folic nên chỉ dùng thuốc cho người mang thai khi thật cần thiết. Nếu phải dùng, cần bổ sung thêm acid folic để tránh sự thiếu hụt chất này ảnh hưởng tới thai nhi. Phụ nữ cho con bú không được dùng vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với tác dụng độc của thuốc.

Uống cotrimoxazol với ít nước, tăng nguy cơ sỏi thận

Ảnh minh họa

Tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra ở đường tiêu hoá với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm lưỡi; ở da như ngoại ban, mụn phỏng... Các tác dụng bất lợi này thường nhẹ nhưng đôi khi xảy ra hội chứng nhiễm độc da rất nặng như hội chứng Lyell có thể gây tử vong nếu không được phát hiện điều trị kịp thời.

Ngoài ra, thuốc còn có nguy cơ gây sỏi thận (nguy cơ này là do sản phẩm acetyl hoá của sulfamid nói chung và cotrimoxazol nói riêng khó tan sẽ lắng đọng và kết tinh thành sỏi ở thận hoặc niệu quản, gây bí tiểu tiện, đái ra máu, gây cơn đau do sỏi thận). Vì vậy, nếu uống thuốc với ít nước nguy cơ này càng tăng cao. Để phòng tránh, người bệnh cần uống đủ nước hoặc uống kèm natri hydrocarbonat (để làm kiềm hóa nước tiểu), tránh nguy cơ gây sỏi ở đường tiết niệu do thuốc. Không phơi nắng để tránh phản ứng mẫn cảm ánh sáng khi dùng thuốc này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!