Vì sao bạn nghiện thuốc lá?

Sống Khỏe - 12/22/2024

Trong binh thư từng dạy, để chiến thắng bất kì đối thủ nào, điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ và nắm được các mánh khóe của họ. Đầu tiên, bạn cần tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Lí do gì khiến việc từ bỏ hút thuốc lại như một cơn ác …

Trong binh thư từng dạy, để chiến thắng bất kì đối thủ nào, điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ và nắm được các mánh khóe của họ. Đầu tiên, bạn cần tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Lí do gì khiến việc từ bỏ hút thuốc lại như một cơn ác mộng đối với rất nhiều người?” Vô cùng đơn giản, chính chất nicotine trong thuốc lá là tác nhân chủ yếu trong quá trình đấu tranh của tư tưởng.

Nicotine là một loại chất được tìm thấy trong cây thuốc lá tự nhiên và có khả năng gây nghiện tương tự heroin hoặc cocaine. Theo thời gian, người hút sẽ trở nên phụ thuộc cả thể chất lẫn tinh thần vào điếu thuốc vì họ đã thực sự nghiện chất nicotine. Điều này khiến việc bỏ thuốc trở nên gian truân hơn và tăng khả năng tái nghiện sau khi đã cai thành công. Các nghiên cứu đã cho thấy để có thể từ bỏ hẳn việc hút thuốc, người hút phải đương đầu với những phản kháng của thể chất lẫn tinh thần trong việc cưỡng lại cảm giác thèm nicotine.

Cách nicotine “trói buộc” bạn

Khi bạn hít phải khói thuốc, nicotine sẽ đi sâu vào trong phổi. Từ đó máu sẽ hấp thụ rất nhanh chất gây nghiện này, cùng carbon monoxide và một số độc tố khác, rồi mang chúng đi phân phối khắp cơ thể bạn. Trên thực tế, chất nicotine có trong thuốc lá tiếp cận não bộ nhanh hơn so với các loại thuốc tiêm vào cơ thể qua tĩnh mạch.

Nicotine gây ảnh hưởng lên rất nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm não bộ, hệ tim mạch, hormone và sự chuyển hoá các chất của cơ thể. Đối với người hút thuốc là nữ giới, nicotine còn được tìm thấy trong sữa mẹ và chất nhầy trong cổ tử cung. Trong giai đoạn mang thai, nicotine hoàn toàn có thể xuyên qua nhau thai và được tìm thấy trong nước ối cũng như bên trong máu dây rốn của trẻ sơ sinh.

Các nhân tố khác cũng làm ảnh hưởng đến khoảng thời gian cơ thể bạn cai nghiện nicotine và các sản phẩm phụ của nicotine. Hầu hết người hút thuốc lá không thể loại bỏ hoàn toàn nicotine cũng như phụ phẩm của nó trong cơ thể (Chẳng hạn như cotinine) kể cả khi đã ngừng hút thuốc.

Nicotine tạo cảm giác dễ chịu và thổi bay những cảm giác căng thẳng. Chính sự kì diệu này đã thôi thúc người hút muốn châm thêm một điếu nữa rồi lại điếu nữa. Ngoài ra, nicotine còn hoạt động như một loại thuốc ức chế bằng cách gây cản trở sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh để rồi khi hệ thần kinh đã quen với sự có mặt của vị khách nicotine, “chủ nhà” sẽ luyến lưu mà muốn mời họ sang chơi mãi. Chính điều này vô tình đã làm gia tăng lượng nicotine có trong máu của người hút.

Theo thời gian, người hút bắt đầu lờn nicotine. Do đó, họ cần phải tiếp nhận lượng nicotine nhiều hơn so với liều lượng cũ trước đó. Khi dứt một điếu thuốc, nồng độ nicotine trong cơ thể bắt đầu giảm dần. Cảm giác dễ chịu qua đi khiến người hút thuốc lại tìm về cảm giác hưng phấn bằng cách đốt thuốc. Nếu cơn thèm thuốc không được thỏa mãn, họ sẽ trở nên bức bối và cáu kỉnh. Ban đầu, việc này chưa dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng khi cai thuốc nhưng dần dần, họ sẽ cảm thấy khó chịu thấy rõ cho đến khi khói thuốc cùng sự quen thuộc của nicotine xua tan đi những phiền muộn và cảm giác khó chịu, họ đã hoàn toàn bị khuất phục bởi điếu thuốc nhỏ nhắn và chấp nhận lệ thuộc vào nó thêm một lần nữa. 

Chuẩn bị tinh thần với triệu chứng cai thuốc lá

Khi người hút thuốc cố gắng cắt giảm hoặc từ bỏ thuốc lá, việc thiếu hụt nicotine sẽ dẫn đến các triệu chứng cai thuốc có liên quan đến cả thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất, cơ thể sẽ có phản ứng lại vì thiếu hụt nicotine. Về tinh thần, người hút thuốc phải đối mặt với việc từ bỏ một thói quen, dẫn đến những thay đổi rất lớn về hành vi. Về mặt cảm xúc, người hút cảm thấy như mất đi một người bạn thân. Để thành công trong quá trình bỏ thuốc, người hút cần phải tìm các biện pháp giải quyết triệt để được 3 yếu tố trên.

Các triệu chứng đói thuốc thông thường sẽ xuất hiện trong khoảng vài giờ sau mỗi lần hút thuốc và đạt đỉnh cao sau 2 đến 3 ngày, khi hầu hết lượng nicotine cũng như những phụ phẩm đi kèm đã thoát ra khỏi cơ thể. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu và bức bối trong khoảng vài ngày, có khi là vài tuần. Nhưng nếu vượt qua được giai đoạn này, bạn sẽ dần dần trở nên bình tình lại và cảm nhận được cơ thể đang trở nên khỏe khoắn hơn.

Sau đây là các dấu hiệu cho thấy bạn đang đối phó với cơn đói thuốc:

  • Chóng mặt (kéo dài khoảng 1 – 2 ngày sau khi từ bỏ thuốc);
  • Trầm cảm;
  • Cảm thấy thất vọng, mất kiên nhẫn, thậm chí bức bối;
  • Lo âu;
  • Cáu kỉnh;
  • Rối loạn giấc ngủ, bao gồm những vấn đề trong khi ngủ hoặc khi đang duy trì giấc ngủ, gặp ác mộng về đêm;
  • Khó tập trung;
  • Bồn chồn hoặc cảm thấy chán nản;
  • Nhức đầu;
  • Mệt mỏi;
  • Thèm ăn;
  • Tăng cân;
  • Táo bón và trung tiện;
  • Ho, khô miệng, viêm họng và chảy mũi;
  • Đau ngực;
  • Nhịp tim chậm.

Những điều nêu trên chính là tác nhân khiến người hút thuốc quay trở lại con đường cũ nhằm gia tăng nồng độ nicotine trong máu để xua tan những mệt mỏi, căng thẳng mà họ phải đối diện, khiến họ chịu thua chính bản thân mình.

Một số bằng chứng cho thấy các hóa chất khác bên trong thuốc lá có thể hoạt động như nicotine nên càng khiến người hút thuốc khó lòng từ bỏ. Các tác nhân từ monoamine oxidase (một hóa chất bên trong não) vẫn đang được nghiên cứu. Ở một số người, việc cai thuốc khiến tâm trạng của họ trở nên xấu đi, khiến họ thèm thuốc hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình bỏ thuốc.

Kết luận

Nếu đã nghiện thuốc thì chất nicotine được xem như người bạn thân của bạn. Thật khó để có thể “nghỉ chơi” bạn mình. Nhưng nếu là “bạn xấu” thì chẳng có lý do gì để bạn quyến luyến cả. Hãy nhủ rằng chắc chắn bạn sẽ làm được mọi việc cùng với quyết tâm của mình và sự trợ giúp của những người xung quanh. Chỉ cần vượt qua một khoảng thời gian thèm thuốc rất ngắn lúc ban đầu, mọi chuyện sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Xem quá trình bỏ thuốc như một cuộc chiến đấu giành lấy phần thưởng cao quý là sức khỏe. Quyết định là nằm ở bạn!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!